Astrology.vn -  Lập trường của Mạnh Tử luôn luôn là đề cao nhân nghĩa; nhân nghĩa đạo đức là chính nghĩa trong việc cai trị và cư xử với các nước lân bang. Ông chủ trương rằng nếu thi hành vương chính bằng những biện pháp nhân nghĩa, tức là đứng về phía dân chúng, bảo vệ và mưu cầu hạnh phúc cho họ, bao giờ cũng được toàn dân ủng hộ. Toàn dân ủng hộ thì tất thắng, không phải sợ một thế lực nào khác. Mạnh Tử đi đến kết luận: nếu không thi hành vương chính thì thôi; còn đã thi hành vương chính, lấy nhân nghĩa làm nền tảng.

 

 

5

Vạn Chương hỏi rằng: “Nước Tống là nước nhỏ, nay sắp thi hành nền chính trị vương đạo; nước Tề, nước Sở ghét mà đánh, thì phải làm sao?”

Mạnh Tử nói: “Vua Thang ở đất Bạc, là lân bang của nước Cát. Bá tước Cát sống buông thả mà chẳng cúng tế. Vua Thang sai người hỏi rằng: “Sao không cúng tế?”

“Đáp: ‘Không có những con vật được nuôi tuyển để dâng cúng.’

“Vua Thang sai đem biếu bò, dê. Bá tước Cát ăn hết, lại chẳng cúng tế. Vua Thang lại sai người hỏi rằng: ‘Sao không cúng tế?’

“Đáp: ‘Không có xôi nếp để dâng cúng.’

“Vua Thang sai dân đất Bạc đi sang bên đó cày cấy, những người già yếu đem lương thực đi cho. Bá tước Cát đốc suất dân đón bắt những người mang rượu, đồ ăn, lúa, nếp mà đoạt lấy; người nào không trao cho thì giết đi. Có một đứa bé đem lúa và thịt đi cũng bị giết mà đoạt lấy.

“Kinh Thư chép rằng: ‘Bá Tước Cát coi người đem cho là thù địch.’ Câu đó nói về vụ này. Vì việc giết đứa bé ấy mà cuộc chinh phạt diễn ra. Mọi người trong bốn biển đều nói rằng: ‘Chẳng phải vì giàu có trong thiên hạ, nhưng vì những người dân hèn mà phục thù.’

“Vua Thang khởi đầu chinh phạt từ nước Cát trước. Tiến hành mười một cuộc chinh phạt mà trở nên vô địch trong thiên hạ. Đánh ở mặt đông, rợ Di phương tây oán; đánh ở mặt nam, rợ Địch phương bắc oán. Họ nói rằng: “Sao đến ta sau vậy?” Dân chúng trông ngóng dường như đại hạn mong mưa. Người đi chợ không dừng chân, kẻ làm cỏ không bỏ việc. Ngài giết vua mà thăm viếng dân; dân mừng rỡ như lúc trời đổ mưa.

“Kinh Thư chép rằng: ‘Đợi vua ta; vua đến, ấy là khỏi bị hành hạ.’ ‘Còn có chốn nào chưa thần phục, lại Đông Chinh vỗ yên trai gái, dân dâng giỏ lụa đen lụa vàng, cùng nối theo Chu vương chúng ta, để được hưởng an bình phúc lộc, đại ấp nhà Chu riêng dạ phục tòng.’ Các chức sắc trong dân đã đem những giỏ đầy lụa đen lụa vàng ra đón các quan tướng; còn trăm họ đem cơm giỏ nước bầu ra đón các lính tráng. Vua cứu dân ra khỏi nạn nước lửa, chỉ bắt lấy kẻ hại dân mà thôi.

“Thiên Thái Thệ (Kinh Thư) chép rằng: ‘Uy vũ ta phát động, nhằm tiến chiếm biên cương, bắt lấy kẻ hại dân, cuộc sát phạt phô trương, theo vua Thang vinh quang.’ (Lời của Vũ Vương).

“Không thi hành chính trị vương đạo thì thôi. Nếu ai thi hành chính trị vương đạo, toàn dân trong bốn biển đều ngẩng đầu trông ngóng, muốn cho người ấy làm vua. Nước Tề, nước Sở tuy lớn, có đáng sợ gì!”

Bình lược: Môn đệ của Mạnh Tử là Vạn Chương, nêu ra một trường hợp giả định: nếu như nước Tống là nước nhỏ, nay sắp thi hành chính trị vương đạo; trong khi đó, nước Tề, nước Sở lại ganh ghét, muốn đánh, thì phải làm sao? Lập trường của Mạnh Tử luôn luôn là đề cao nhân nghĩa; nhân nghĩa đạo đức là chính nghĩa trong việc cai trị và cư xử với các nước lân bang. Ông chủ trương rằng nếu thi hành vương chính bằng những biện pháp nhân nghĩa, tức là đứng về phía dân chúng, bảo vệ và mưu cầu hạnh phúc cho họ, bao giờ cũng được toàn dân ủng hộ. Toàn dân ủng hộ thì tất thắng, không phải sợ một thế lực nào khác.

Mạnh Tử đi đến kết luận: nếu không thi hành vương chính thì thôi; còn đã thi hành vương chính, lấy nhân nghĩa làm nền tảng, thì bất cứ người dân nào ở khắp nơi cũng đều nhiệt tình ủng hộ, nô nức tôn vinh. Bấy giờ, nước Tề, nước Sở, dù lớn lao, có muốn chống phá cũng chẳng được!

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu