Astrology.vn - Mạnh Tử cho rằng Trời sinh ra loài vật, trong đó có loài người, khiến cho có một gốc. Nho giáo đề cao Lễ, trong đó có lễ an táng là cốt vun đắp tình người thêm nhân hậu chứ không cốt bày vẽ cho mất thời giờ và tốn phí tiền bạc. Tình người nhân hậu biết xử tốt với người đã khuất thì cũng biết xử tử tế với người còn sống. Như thế, xã hội mới được ổn định thái bình. Đạo lý ấy xuyên suốt qua cả sự chết và sự sống của con người.
5
Di Chi, học giả theo phái Mặc Địch, đã nhờ Từ Tịch xin ra mắt Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Ta cố tình mong gặp; nhưng nay ta còn bệnh; khi bệnh khỏi, ta sẽ đến thăm, Di Tử không phải đến nữa.”
Ngày khác, lại xin ra mắt Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Ta nay đã có thể gặp được. Nếu không thẳng thắn, đạo lý không biểu hiện được. Ta sẽ thẳng thắn trình bày. Ta nghe Di Tử học theo phái họ Mặc. Mặc Tử tổ chức việc tang theo đường lối đạm bạc. Di Tử nghĩ rằng lấy đó mà sửa đổi thiên ạ há là việc làm chẳng phải sao, mà chẳng quý trọng? Tuy nhiên Di Tử an táng đấng thân một cách trọng hậu, rồi lại cho việc phụng thờ đấng thân theo cách đó là thấp hèn.
Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Di Tử. Di Tử nói: “Người thời xưa theo đạo lý nhà Nho cho rằng ‘Như bảo bọc con đỏ.’ Câu đó dạy điều gì? Chi này cho rằng nghĩa là yêu người không phân hơn kém thứ bậc, nhưng khởi đầu thi thố từ đấng thân.”
Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Này, Di Tử tin rằng người ta thân yêu con của anh mình cũng như thân yêu đứa nhỏ của nhà hàng xóm ư? Câu đó (nhược bảo xích tử) mang ý thế này. Đứa nhỏ bò lổm ngổm sắp rơi xuống giếng, đó chẳng phải lỗi của đứa nhỏ. Vả lại Trời sinh ra loài vật, khiến cho có một gốc. Thế mà Di Tử cho là hai gốc, duyên cớ là thế.
“Thời thượng cổ không từng có việc an táng cha mẹ. Cha mẹ chết thì đem vất bỏ vào hang hốc. Ngày khác qua đó, thấy chồn cáo ăn thịt, ruồi bọ lại đục khoét. Người ta rịn mồ hôi trán, liếc mắt mà chẳng dám nhìn. Này, mồ hôi rịn ra, chẳng phải rịn mồ hôi vì người khác, mà tại trong lòng phát hiện ra bộ mặt. Bèn quay trở về, lấy sọt lấy cuốc mà chôn lấp đi. Chôn lấp mới thành lệ vậy. Do đó, người con hiếu, kẻ có lòng nhân mới chôn lấp cha mẹ của mình; đó ắt cũng là đạo lý vậy.”
Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Di Tử. Di Tử bùi ngùi, thẫn thờ nói rằng: “Đó là lời dạy bảo cho Chi này vậy.”
Bình lược: Có một học giả theo phái Mặc Địch tên là Di Chi, muốn xin yết kiến Mạnh Tử qua trung gian của Từ Tịch (một học trò của Mạnh Tử). Có lẽ Mạnh Tử mượn cớ bị bệnh để thử xem Di Chi có thật lòng muốn học hỏi chăng. Bởi lẽ, vào thời Chiến Quốc, hai phái Nho, Mặc thường công kích lẫn nhau, không chấp nhận học thuyết của nhau. Lần thứ hai, Di Chi lại đến xin gặp. Mạnh Tử biết là thật lòng, cho nên ông thẳng thắn trình bày quan điểm của mình nhưng vẫn qua trung gian đưa lời của Từ Tịch.
Mạnh Tử cho rằng Trời sinh ra loài vật, trong đó có loài người, khiến cho có một gốc. Có nghĩa là mỗi người chỉ có một gốc là cha mẹ mình. Nay Di Chi và Mặc phái chủ trương yêu những người khác cũng như yêu cha mẹ tức là chủ trương mỗi người có hai gốc: gốc cha mẹ và gốc người ngoài. Duyên cớ sai lầm của Di Chi nằm ở chỗ đó. Việc yêu thương thiên hạ chưa lo được đến đâu nhưng lại bỏ quên cha mẹ cô độc và vợ con nheo nhóc. “Kiêm ái” như thế (thuyết Kiêm Ái của Mắc gia), thật là hỏng việc. Quan niệm của Nho giáo có vẻ hẹp hòi, không hợp với những tâm hồn quảng đại, nhưng lại gần gũi với thực tế, với tâm lý quần chúng hơn.
Nho giáo đề cao lễ, trong đó có lễ an táng là cốt vun đắp tình người thêm nhân hậu chứ không cốt bày vẽ cho mất thời giờ và tốn phí tiền bạc. Tình người nhân hậu biết xử tốt với người đã khuất thì cũng biết xử tử tế với người còn sống. Như thế, xã hội mới được ổn định thái bình. Đạo lý ấy xuyên suốt qua cả sự chết và sự sống của con người.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu