Astrology.vn - Mạnh Tử là một hiền triết giữ đúng đạo thống Nho giáo truyền từ Đức Khổng Tử; ông chỉ muốn thi hành chính sách cai trị theo vương đạo, đề cao đức nhân, lấy hạnh phúc dân chúng làm trọng, Cho nên ông đã tránh không nói về bá đạo của Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công; vì bá đạo nhẹ về đức nhân mà nặng về mưu thuật, vũ lực. Ông cố gắng hướng Tề Tuyên Vương sang vương đạo, dùng đức trị, nhân chính để dân chúng thoát nạn gươm đao, thiên hạ thái bình.
7
Tề Tuyên Vương hỏi rằng: “Công việc của Tề Hoàn, Tấn Văn có thể được nghe chăng?”
Mạnh Tử đáp: “Học trò của thầy Trọng Ni không được bày tỏ về công việc của Hoàn, Văn. Vì thế không được truyền cho đời sau. Bề tôi chưa được nghe, chi bằng nói về nghiệp vương chăng?”
Vua nói: “Đức như thế nào thì có thể nên nghiệp vương được?”
Đáp: “Bảo vệ dân chúng thì nên nghiệp vương, chẳng có gì cản nổi.”
Hỏi: “Ví như quả nhân có thể bảo vệ dân được chăng?”
Đáp: “Có thể được.”
Hỏi: “Do đâu mà biết ta có thể?”
Đáp: “Bề tôi nghe Hồ Hột nói: ‘Vua ngồi ở trên nhà; có con bò bị dắt qua dưới nhà. Vua thấy vậy nói: Con bò làm sao thế? Đáp rằng: Sắp đem đi lấy máu bôi chuông. Vua nói: Thả ra đi. Ta chẳng nỡ thấy nó sợ run lập cập, ví như vô tội mà bị đem đến chỗ chết. Hỏi: Vậy bỏ việc lấy máu bôi chuông ư? Đáp: Sao lại bỏ? Lấy con dê thế vào.’ Chẳng biết có như vậy chăng?”
Vua đáp: “Có thế.”
Mạnh tử nói: “Tấm lòng ấy đủ làm nên nghiệp vương được. Trăm họ đều cho rằng vua tiếc con bò. Bề tôi biết chắc vua chẳng nỡ.”
Vua nói: “Đúng vậy. Quả thật trăm họ có cho như thế. Nước Tề tuy nhỏ hẹp, ta nào lại tiếc một con bò? Chỉ là ta chẳng nỡ thấy nó run lập cập, ví như vô tội mà bị đem đến chỗ chết. Cho nên mới đem con dê thế vào.”
Mạnh Tử nói: “Vua chẳng lấy làm lạ rằng trăm họ cho vua vì tiếc con bò. Lấy con nhỏ mà thế con lớn, sao họ biết được ý vua? Vua ví như xót thương vô tội mà bị đem đến chỗ chết, sao lại chọn giữa bò và dê?”
Vua cười nói: “Bấy giờ thật ra lòng dạ làm sao chẳng biết? Ta chẳng phải tiếc của mà đem thế con dê vào. Ấy nên trăm họ bảo rằng ta tiếc.”
Mạnh Tử nói: “Chẳng thiệt hại gì; ấy là cách thức làm điều nhân vậy. Thấy con bò mà chưa thấy con dê. Người quân tử đối với cầm thú, thấy chúng sống mà chẳng nỡ thấy chúng chết; nghe tiếng chúng mà chẳng nỡ ăn thịt chúng. Cho nên người quân tử xa lánh bếp núc là vậy.”
Vua thấy vui, nói: “Kinh thi rằng: ‘Người kia có gì trong lòng, ta nghĩ đo lường được cả.” Lời nói đó thuộc về phu tử vậy. Này, ta đã làm như thế, quay trở lại mà tìm hiểu, thì chẳng hiểu được lòng mình. Phu tử nói thế, đối với ta trong lòng cảm thấy bồi hồi. Tấm lòng ấy sở dĩ hợp với nghiệp vương là thế nào?”
Mạnh Tử đáp: “Có người lại nói với vua rằng: sức tôi đủ nhấc nổi trăm quân (3.000 cân) nhưng không đủ nhấc một cái lông chim; sáng mắt đủ thấy rõ một sợi lông vào mùa thu nhưng không thấy cái xe chở củi. Vua có chấp nhận được không?”
Trả lời: “Không.
“Nay ơn huệ đủ đạt tới cầm thú, mà công hiệu không đến được với trăm họ, sao lại lẻ loi thế? Vậy, một cái lông chim không nhấc nổi vì không dùng sức đấy thôi; cái xe chở củi không thấy được vì không chịu dùng sự sáng mắt đấy thôi; trăm họ chẳng thấy bảo vệ vì không dùng đến ân huệ đấy thôi. Cho nên vua chẳng nên nghiệp vương ấy là chẳng làm thôi, đâu phải không có khả năng làm.”
Vua nói: “Hình trạng của không chịu làm và không có khả năng làm khác nhau ra sao?”
Đáp: “Cắp núi Thái Sơn vượt qua Bắc Hải, người ta nói: tôi không có khả năng. Thế thật là không khả năng. Vì một người trên mà bẻ một cành cây, người ta nói: tôi không có khả năng, thế là không chịu làm, chẳng phải không khả năng. Cho nên vua không nên nghiệp vương chẳng phải là loại cắp núi Thái Sơn vượt qua Bắc Hải. Vua không nên nghiệp vương là loại bẻ cành cây thôi.
“Tôn trọng bậc già lão của mình để rồi tôn trọng đến bậc già lão của người, âu yếm con em mình để rồi âu yếm đến con em người; có thể điều khiển thiên hạ như ở bàn tay. Kinh Thi rằng: ‘Giữ phép thường với vợ mình, rồi giữ với anh em thì cai trị được từ nhà đến nước.’ Nói thế là cất nhắc lòng mình rồi gia thêm cất nhắc lòng người mà thôi (lấy mình làm gương mẫu cho kẻ khác). Cho nên đem ân huệ triển khai là đủ để bảo vệ bốn biển. Không đem ơn huệ triển khai thì không bảo vệ được vợ con. Người xưa sở dĩ vượt hơn người thường, không gì khác là: khéo triển khai hành vi của mình mà thôi.
“Nay ơn huệ đủ đạt tới cầm thú mà công hiệu không đến được trăm họ, sao lại lẻ loi thế?
“Có cân lường rồi sau mới biết nặng nhẹ; có đo đạc rồi sau mới biết ngắn dài; đối với mọi vật đều như vậy. Tâm tình thì phải kỹ lưỡng hơn. Xin vua cân nhắc.
“Hay vua dấy lên việc chinh chiến, làm nguy hại tướng sĩ, bầy tôi, gây oán với chư hầu. Rồi sau mới thoả lòng chăng?”
Vua nói: “Chẳng phải ta muốn thoả như thế đâu. Chỉ hòng tìm lấy điều mong ước lớn của ta thôi.”
Hỏi: “Điều mong ước lớn của vua, có thể được nghe chăng?”
Vua cười mà không nói.
Hỏi: “Vì đồ béo ngọt chẳng đủ cho khẩu vị chăng? Đồ nhẹ ấm chẳng đủ cho thân thể chăng? Hay vì sắc đẹp chẳng đủ cho mắt nhìn chăng?
Thanh âm chẳng đủ cho tai nghe chăng? Những kẻ yêu dấu chẳng đủ sai khiến trước mặt chăng? Những bầy tôi của vua đều đủ để cung phụng vua, mà vua há còn muốn như thế?”
Đáp: “Chẳng phải, ta chẳng vì các việc như thế.”
Mạnh Tử nói: “Vậy thì điều mong ước lớn của vua có thể biết được rồi. Muốn đòi đất đai, muốn các nước Tần Sở vào chầu, muốn cai trị Trung quốc mà vỗ về các dân mọi rợ bốn phía. Ví bằng để làm được những điều ấy, ví bằng tìm được mong muốn ấy, cũng giống như leo cây tìm cá vậy.”
Vua nói: “Thậm tệ dường ấy ư?”
Đáp: “Còn nguy hại nhiều nữa. Leo cây tìm cá, tuy không được cá, chẳng có tai họa theo sau. Ví bằng để làm được những điều ấy , tìm được mong muốn ấy, dốc hết tâm lực mà làm, ắt có tai họa theo sau.”
Hỏi: “ Có thể nghe được chăng?”
Đáp: “Người nước Trâu với người nước Sở đánh nhau, vua cho rằng ai thắng?”
Vua nói: “ Người nước Sở thắng.”
Đáp: “Phải rồi, nhỏ hẳn không thể địch lớn; ít hẳn không thể địch đông; yếu hẳn không thể địch mạnh. Đất đai của vùng bên trong biển này, vuông vức nghìn dặm có chín vùng, nước Tề góp lại có một vùng. Lấy một chinh phục tám, nào khác gì nước Trâu địch nước Sở chứ? Đáng là quay về với điều căn bản vậy. Nay vua phát huy chính trị thi triển đức nhân, khiến những kẻ sĩ trong thiên hạ đều muốn đứng ở triều đình của vua; những kẻ cày cấy đều muốn cày cấy ở ruộng đất của vua; giới buôn bán đều muốn trữ hàng ở chợ búa của vua; các khách lữ hành đều muốn đi ra đường xá của vua; thiên hạ giận ghét vua của mình đều muốn chạy tới tố cáo với vua. Ví bằng như thế, ai có khả năng cản trở được?”
Vua nói: “Ta tối tăm, chẳng thể tiến tới như vậy. Ước mong phu tử giúp đỡ chí hướng của ta, đem sự sáng tỏ dạy dỗ ta. Ta tuy chẳng sáng suốt, xin thử làm xem.”
Đáp: “Không có của cải bền vững mà có tấm lòng bền vững, chỉ có kẻ sĩ mới đạt được. Dân chúng ví như không có của cải bền vững nhân đó chẳng có lòng bền vững. Nếu chẳng có lòng bền vững thì họ buông thả, lệch lạc, hoang phí, chẳng có gì không làm. Đến lúc hãm vào tội lỗi, rồi sau theo đó mà hành hình họ. Ấy là bủa lưới bắt dân vậy. Có một người nhân đức ở ngôi cai trị mà lại có thể làm cái việc bủa lưới bắt dân hay sao?
“Vậy nên bậc minh quân chế định điền sản cho dân, ắt khiến ngẩng lên đủ phụng thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi nấng vợ con, năm được mùa thì trọn thân no nê, năm mất mùa thì thoát khỏi chết chóc. Rồi sau mới thúc đẩy làm điều thiện. Cho nên dân mới theo điều thiện dễ dàng.
“Nay chế định điền sản cho dân, ngẩng lên không đủ phụng thờ cha mẹ, cúi xuống không đủ nuôi nấng vợ con, năm được mùa thì trọn thân khổ sở, năm mất mùa thì không khỏi chết chóc. Như thế chỉ cứu khỏi chết mà sợ không đủ, huống chi còn nhàn rỗi mà sửa lễ nghĩa ư? Vua muốn tiến hành, sao chẳng quay về điều căn bản?
“Được năm mẫu đất ở, lấy dâu tằm trồng trọt thì người năm mươi tuổi có thể được mặc lụa. Những vật nuôi như gà heo, chó, heo nái mà không mất thời vụ sinh sản, thì người bảy mươi tuổi có thể được ăn thịt. Được ruộng trăm mẫu mà thời vụ đừng bị chiếm đoạt, tám miệng ăn trong nhà có thể không bị đói. Nếu cẩn thận mở trường huyện, trường làng để giáo dục, bày tỏ nghĩa lý hiếu đễ, thì những người tóc hoa râm không phải vác đội ngoài đường xá. Người già được mặc lụa ăn thịt, dân đen không bị đói, bị rét; thế mà không thịnh vượng, chưa hề có vậy.”
Bình lược: Mạnh Tử là một hiền triết giữ đúng đạo thống Nho giáo truyền từ Đức Khổng Tử; ông chỉ muốn thi hành chính sách cai trị theo vương đạo, đề cao đức nhân, lấy hạnh phúc dân chúng làm trọng, Cho nên ông đã tránh không nói về bá đạo của Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công; vì bá đạo nhẹ về đức nhân mà nặng về mưu thuật, vũ lực. Ông cố gắng hướng Tề Tuyên Vương sang vương đạo, dùng đức trị, nhân chính để dân chúng thoát nạn gươm đao, thiên hạ thái bình. Nếu vua muốn dùng bạo lực bá đạo mà mở rộng biên cương thì chỉ hao binh tổn tướng, dân chúng khổ sở mà chung cuộc sẽ hoàn toàn thất bại. Trái lại, nếu biết quay trở lại điều căn bản của vương đạo: phát huy chính trị lương hảo, thi triển đức nhân, mọi người sẽ khẩu phục, tâm phục và đều muốn trở nên công dân của vua cả.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu