Astrology.vn - Đạo lý đối đãi của nước lớn đối với nước nhỏ là đức nhân (thương yêu): nâng đỡ, bảo bọc, ban thưởng... Đạo lý đối đãi của nước nhỏ đối với nước lớn là đức trí (sáng suốt cư xử): tôn trọng để nương tựa, để tránh nạn xâm lược... Cả hai đạo lý nhân trí đều là những cách cư xử tốt và khéo, nhằm đem lại an lạc thái bình cho dân chúng cả hai nước lớn và nhỏ. Hiếu dũng, giận dữ mà biết hướng về hạnh phúc của dân chúng không kể nước lớn nước nhỏ, thật là đức dũng đức nộ của bậc vương giả bao hàm cả đức nhân, đức trí vậy.

 

3

Tề Tuyên Vương hỏi rằng: “Giao thiệp với các nước láng giềng có đường lối nào không?”

Mạnh Tử đáp: “Có. Chỉ riêng bậc nhân mới có khả năng đem nước lớn của mình đối đãi khéo với nước nhỏ. Vì thế nên vua Thang đối đãi khéo với nước Cát; Văn Vương đối đãi khéo với nước Côn Di. Chỉ riêng bậc trí mới có khả năng đem nước nhỏ của mình đối đãi khéo với nước lớn. Thế nên, Thái Vương đối đãi khéo với nước Huân Dục; Câu Tiễn đối đãi khéo với nước Ngô.

“Đem nước lớn đối đãi khéo với nước nhỏ, là an vui mệnh Trời. Đem nước nhỏ đối đãi khéo với nước lớn, là tâm phục mệnh Trời. An vui mệnh Trời thì bảo vệ được thiên hạ. Tâm phục mệnh Trời thì bảo vệ được nước mình.

“Kinh Thi rằng: ‘Tâm phục uy Trời, theo thời thì bảo vệ được.’

Vua nói: “Những lời nói vừa rồi lớn lao thay! Quả nhân có tật: quả nhân thích dũng mãnh.”

Đáp rằng: “Xin vua đừng thích cái dũng mãnh nhỏ mọn. Này, tuốt gươm, trừng mắt mà nói: ‘Ngươi dám chống đối ta sao?’ Đó là cái dũng mãnh của kẻ tầm thường, chỉ địch được một người thôi. Xin vua hãy có cái dũng mãnh lớn lao.

“Kinh Thi rằng: ‘Văn Vương đùng đùng nổi giận, bèn chỉnh đốn binh đội, ngăn chặn quân Cử đến; dốc lòng với nền phúc hậu nhà Chu, đáp ứng hướng về thiên hạ.’ Đó là cái dũng mãnh của Văn Vương. Một cơn giận của Văn Vương làm cho dân chúng trong thiên hạ được an vui.

“Kinh Thư nói: ‘Trời sinh ra dân chúng, thì tạo nên bậc vua, tạo nên bậc thầy, riêng để giúp Trời. Do đó Thượng Đế yêu mến khác thường các bậc ấy trong bốn phương. Có tội hay không tội; chỉ tại một mình ta (vua) mà thôi. Thiên hạ sao dám quyết chí vượt qua được?’ Một kẻ làm càn (vua Trụ) giữa thiên hạ, mà Vũ Vương lấy làm xấu hổ. Đó là cái dũng mãnh của Vũ Vương, vì thế cũng một cơn giận của Vũ Vương mà làm cho dân chúng trong thiên hạ được an vui.

“Nay cũng một cơn giận của vua mà an dân trong thiên hạ, nhưng dân chỉ sợ vua không thích cái dũng mãnh (lớn lao) mà thôi.”

Lược bình: Đạo lý đối đãi của nước lớn đối với nước nhỏ là đức nhân (thương yêu): nâng đỡ, bảo bọc, ban thưởng... Đạo lý đối đãi của nước nhỏ đối với nước lớn là đức trí (sáng suốt cư xử): tôn trọng để nương tựa, để tránh nạn xâm lược... Cả hai đạo lý nhân trí đều là những cách cư xử tốt và khéo, nhằm đem lại an lạc thái bình cho dân chúng cả hai nước lớn và nhỏ. Hiếu dũng, giận dữ mà biết hướng về hạnh phúc của dân chúng không kể nước lớn nước nhỏ, thật là đức dũng đức nộ của bậc vương giả bao hàm cả đức nhân, đức trí vậy.

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu