Astrology.vn - Trong triết học trước Mác, người ta hiểu bản thể luận, hay “triết học đầu tiên”, là học thuyết về tồn tại nói chung. Theo ý nghĩa đó, bản thể luận cùng nghĩa với siêu hình học – một hệ thống những định nghĩa phổ biến có tính chất tư biện về tồn tại.

Trong thời trung đại hậu kỳ, các triết gia Thiên Chúa giáo mưu toan lợi dụng tư tưởng của Arixtốt về siêu hình học để xây dựng học thuyết về tồn tại nhằm chứng minh về mặt triết học cho các chân lý của tôn giáo. Những mưu toan đó đạt đến hình thức hoàn thiện nhất trong hệ thống thần học – triết học của Tôma ở Ácvinô. Trong thời cận đại (khoảng từ thế kỷ 16), người ta bắt đầu hiểu bản thể luận là một bộ phận đặc biệt của siêu hình học, là học thuyết về cơ cấu của siêu cảm giác, phi vật chất của tất cả những gì đang tồn tại.

Thuật ngữ “bản thể luận” do nhà triết học Đức Hôclêniút (1613) đưa ra. Tư tưởng về một bản thể luận như thế được thể hiện triệt để trong triết học của Vônphơ, một học thuyết đã mất hết mọi liên hệ với các nội dung của các khoa học cụ thể và đã xây dựng bản thể luận phần lớn bằng cách phân tích trừu tượng những khái niệm của nó (tồn tại, khả năng và hiện thực, lượng và chất, nguyên nhân và tác động…) Một khuynh hướng đối lập lại với bản thể luận đã thể hiện trong các học thuyết duy vật của Hôbơ, Xpinôđa, Lốccơ của các nhà duy vật Pháp thế kỷ 18; dựa trên những dữ kiện của khoa học thực nghiệm, nội dung tích cực của các học thuyết này, về mặt khách quan, đã phá vỡ tư tưởng về bản thể luận với tư cách là một môn triết học cao nhất, là “triết học đầu tiên”, tách rời khỏi nhận thức luận và logic học. Sự phê phán của các đại diện của chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức (Cantơ, Hêghen…) đối với bản thể luận mang tính chất hai mặt: một mặt, họ tuyên bố bản thể luận là không có nội dung và lặp lại; mặt khác, sự phê phán đó kết thúc bằng việc đòi hỏi tạo ra một bản thể luận (siêu hình học) mới, hoàn thiện hơn, thay thế nó bằng triết học tiên nghiệm (Cantơ), bằng hệ thống chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm (Senlinh), bằng logic học (Hêghen). Hệ thống Hêghen dưới hình thức duy tâm đã đoán được trước tư tưởng về sự thống nhất giữa bản thể luận (phép biện chứng), logic học và lý luận nhận thức và, do đó, đã chỉ ra lối thoát khỏi khuôn khổ những triết lý tư biện để đi đến sự nhận thức thật sự tích cực về thế giới.

Trong triết học tư sản thế kỷ 20, do có sự phản ứng đối với việc phổ biến những trào lưu duy tâm chủ quan (chủ nghĩa Cantơ mới, chủ nghĩa thực chứng), nên đã có những mưu toan xây dựng một “bản thể luận mới” trên cơ sở duy tâm khách quan (“bản thể luận tiên nghiệm” của Huxéclơ, “bản thể luận phê phán” của N. Háctman, “bản thể luận cơ bản” của Haiđécghe). Trong những học thuyết của bản thể luận mới, người ta hiểu bản thể luận là một hệ thống những khái niệm phổ biến về tồn tại, mà có thể hiểu được nhờ cảm giác siêu cảm tính và siêu lý tính. Một số triết gia Thiên Chúa giáo nâng đỡ tư tưởng “bản thể luận mới”, họ mưu toan “tổng hợp” bản thể luận “truyền thống” , bắt nguồn từ Arixtốt, với triết học tiên nghiệm của Cantơ và đối lập bản thể luận của họ với triết học duy vật biện chứng.

(t/h)

Triết Học – ASTROLOGY.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BẢN NĂNG

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BÁI VẬT GIÁO

> 12 CUNG HOÀNG ĐẠO: NHÂN MÃ - SAGITTARIUS (22/11-21/12)

> TỬ VI ĐẨU SỐ: Luận Thân Cư Tài Lộc

> Solar System Bodies: Mars

> PHONG THỦY TỔNG HỢP: PHONG THỦY VỚI XE HƠI