Astrology.vn - Quan điểm của Lương Huệ Vương là quan điểm bá đạo; quan điểm của Mạnh Tử là quan điểm vương đạo. Bá đạo lấy dân làm bệ phóng để xây dựng địa vị Bá vương; còn Vương đạo lấy hạnh phúc của dân làm cứu cánh chính trị. Do đó, Mạnh Tử không đáp ứng sự mong muốn của Lương Huệ Vương, mà trình bày với vua một nền chính trị nhân đạo. Với đường lối nhân chính này, một vị vua chỉ cần một khoảnh đất trăm dặm vuông là đủ làm cơ sở để xây dựng sự nghiệp cai trị cả thiên hạ. Đường lối nhân chính trước hết là an dân; khi dân đã dư ăn, dư mặc, bước thứ hai là giáo dục dân.

 

5

Lương Huệ Vương nói: “Nước Tấn, mạnh mẽ lớn lao trong thiên hạ, thầy đã biết điều đó. Đến đời quả nhân, phía đông thua bại ở nước Tề, con lớn bị chết; phía tây mất đất cho nước Tần bảy trăm dặm; phía nam bị nhục ở nước Sở. Quả nhân thấy hổ thẹn; mong ước vì những người chết rửa hận một phen. Như thế nào thì được?”

Mạnh Tử đáp rằng: “Mảnh đất vuông trăm dặm mà có thể cai trị được cả thiên hạ. Nếu như vua thi hành chính sách nhân đạo đối với dân, giảm hình phạt, bớt thuế má thu góp, để dân cày sâu, giẫy cỏ. Những trai tráng dành ngày nhàn rỗi mà tu sửa hiếu, đễ, trung, tín; vào thì phụng kính cha anh; ra thì phụng kính bậc bề trên; có thể khiến họ cầm gậy mà đánh với binh khí bén, áo giáp bền chắc của nước Tần, nước Sở.

“Những nước ấy chiếm đoạt thời vụ của dân họ, khiến cho không được cày ruộng giẫy cỏ để nuôi cha mẹ. Cha mẹ họ bị đói rét; anh em, vợ con phải lìa tan. Những nước ấy đã nhận chìm dân họ; bấy giờ vua đi đến mà đánh phạt. Ôi, ai địch với vua được?

“Cho nên có lời nói rằng: ‘Bậc nhân vô địch.’ Vua chớ nghi ngờ.”

Bình lược: Tình huống này, ý tưởng của Lương Huệ Vương đã không nằm trong quan điểm chính trị của Mạnh Tử. Quan điểm của Lương Huệ Vương là quan điểm bá đạo; quan điểm của Mạnh Tử là quan điểm vương đạo. Bá đạo lấy dân làm bệ phóng để xây dựng địa vị Bá vương; còn Vương đạo lấy hạnh phúc của dân làm cứu cánh chính trị. Do đó, Mạnh Tử không đáp ứng sự mong muốn của Lương Huệ Vương, mà trình bày với vua một nền chính trị nhân đạo. Với đường lối nhân chính này, một vị vua chỉ cần một khoảnh đất trăm dặm vuông là đủ làm cơ sở để xây dựng sự nghiệp cai trị cả thiên hạ. Đường lối nhân chính trước hết là an dân; khi dân đã dư ăn, dư mặc, bước thứ hai là giáo dục dân. Mạnh Tử quả đã có niềm tin sắt đá vào một chân lý muôn thuở: người nhân đức thì không ai địch lại – “Nhân giả vô địch”.

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu