Chỉ mục bài viết

 

Giảng

Qua các tư liệu về Phật giáo Thiền tông đời Trần, chúng ta được biết đường lối tu thiền đời Trần bắt đầu từ vua Trần Thái Tông. Ngài là người lãnh đạo đất nước, đồng thời là một ông vua Thiền sư. Nói đến Thiền tông đời Trần chúng ta cần nhìn tổng quát trước, rồi đi vào phần chi tiết sau.

Về đời Trần, các nhà nghiên cứu sử có những phê bình khác nhau, vì đứng từng góc độ khác nhau. Trên góc độ Khổng giáo, các vua đời Trần có lỗi là trong thân tộc cưới gả lẫn nhau, làm mất đi tinh thần luân lý đạo đức. Nhưng nếu nhìn qua góc độ Phật giáo Thiền tông thì các ngài ở địa vị vua mà có thể tu hành đạt đạo, rất xứng đáng để chúng ta học hỏi. Đặc điểm của các Thiền sư đời Trần là các ngài hiểu đạo, nói được và thực hành được. Ngày nay noi gương các ngài, không phải chúng ta chỉ biết lý thuyết suông mà phải thực hành cho được những điều đã học. Hơn nữa trong hoàn cảnh làm vua đang cai trị đất nước, chống ngoại xâm, hoàn cảnh hết sức khó khăn bận rộn mà các ngài vẫn nghiên cứu Phật giáo và vẫn tu được. Chúng ta hiện giờ dù bận rộn bao nhiêu cũng không thể so bì được, trái lại còn phải thành tâm kính bái các ngài. Đó là điều chúng tôi muốn nêu ra để tất cả thấy rõ tinh thần người xưa như thế nào và chúng ta ngày nay không thể sánh bằng.

Nói về vua Trần Thái Tông, trước hết chúng ta phải hiểu qua lịch sử của Ngài, phần này chúng tôi có ghi trong quyển Thiền Sư Việt Nam:

“Trần Thái Tông, ông vua Thiền sư (1218-1277).

Trần Thái Tông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, sanh năm Mậu Dần niên hiệu Kiến Gia thứ tám (1218) triều Lý. Gia thế ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc huyện Mỹ Lộc tỉnh Hà Nam Ninh); ông cha làm nghề đánh cá. Nhờ có công dẹp loạn, họ Trần dần dần có thế lực từ đời Lý Cao Tông. Trần Cảnh mới có tám tuổi được Lý Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, lấy hiệu là Thái Tông.”

Như vậy vua Trần Thái Tông lên ngôi năm tám tuổi, còn nhỏ chưa biết cai trị đất nước, chú là Trần Thủ Độ thay quyền làm Nhiếp chánh. Tuy Thái Tông ở địa vị vua, nhưng chỉ có danh mà chưa có thực.

“Năm Thái Tông lên hai mươi tuổi, Lý Chiêu Hoàng mười chín tuổi đang là Hoàng hậu, bị Trần Thủ Độ ép Thái Tông giáng Chiêu Hoàng làm Công chúa, lấy chị bà là vợ Trần Liễu (anh ruột Thái Tông) làm Hoàng hậu. Lý do, vì Thủ Độ nôn nóng Thái Tông có con để kế thừa, mà Chiêu Hoàng chậm con, chị bà đang mang thai. Trần Liễu phẫn uất nổi loạn tháng giêng năm Bính Thân (1236).”     

Đây là hành động mà các sử gia Nho học phê phán rất nhiều.

Theo sử năm vua Trần Thái Tông được hai mươi tuổi, bà Lý Chiêu Hoàng mới mười chín tuổi bị giáng xuống làm Công chúa, lại đem chị bà là vợ Trần Liễu làm Hoàng hậu, do đó có rối loạn trong nội bộ. Đoạn sử này dẫn đến bài học hôm nay: Tựa Thiền Tông Chỉ Nam.

Sách vở đời Trần rất nhiều, song những tư liệu còn sót lại không có bao nhiêu. Tỉ dụ như bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam còn lại đây, tức là có quyển sách Thiền Tông Chỉ Nam mà nay đã thất lạc. Bài tựa này bằng chữ Hán đích thân vua Trần Thái Tông viết, chúng tôi dịch ra tiếng Việt.

“Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: ‘Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.’ Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.”

Trong đoạn này vua Thái Tông nêu lên trọng trách của Ngài đối với Phật pháp, tương đương với chư Tổ ngày xưa. Đức Phật dùng tất cả phương tiện để hướng dẫn mọi người, dù ở trình độ nào cũng có thể tiến tu. Nhưng đức Phật chỉ trụ thế có tám mươi năm rồi nhập Niết-bàn. Từ đó đến nay trên hai ngàn năm chúng ta biết được Phật pháp là nhờ chư Tổ. Các ngài tiếp nối người trước chỉ dạy người sau, lần hồi đến chúng ta ngày nay. Nếu không có sự truyền bá đó thì chúng ta không biết đâu mà tìm hiểu và thấy được giáo lý của Phật. Khi xưa chư Tổ lấy việc truyền bá chánh pháp làm trách nhiệm chánh, nay nhà vua hiểu được Phật pháp phần nào thấy mình cũng có trách nhiệm như chư Tổ ngày trước.

“Lấy giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình” tức là đức Phật dùng chánh pháp giáo hóa mọi người và mình đang được hấp thụ thì chánh pháp của Phật đã chuyển thành như của mình. Từ đó tiếp nối truyền cho người sau, đó là trọng trách của chư Tổ, đó cũng là bản ý của nhà vua, Ngài tự đặt trách nhiệm phải làm sao truyền bá chánh pháp đến mãi sau này.

“Vả lại, thuở Trẫm còn niên thiếu có chút ít hiểu biết, vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh; nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.”