Astrology.vn - Các vua thời xưa hễ thành công là cho là nhờ dân, thất bại thì nhận lấy là vì mình; chính trực được là nhờ dân [giữ phép nước], cong queo là tại mình. Cho nên có một người dân đói rét thì vua tự trách mình. Ngày nay không vậy. Vua chúa giấu ý định của mình mà cho kẻ nào không đoán được là ngu; bắt dân làm những việc khó quá mà buộc tội những kẻ nào không dám làm; giao cho những trách nhiệm nặng nhọc quá mà trừng phạt kẻ nào không gánh vác nổi; định những cái đích xa quá mà giết kẻ nào không đạt được. Vì vậy dân chúng tận dụng trí lực mà không được mới phải giả dối. Giả dối mỗi ngày mỗi nhiều, dân làm sao chống lại được? Sức mạnh không đủ thì đành phải giả dối, trí tuệ không đủ thì phải dối trá, tiền của không đủ thì đành phải ăn trộm ăn cắp. Dân mà ăn trộm ăn cắp thì ai là người đáng trách - vua hay dân?

 

 

1

Tắc Dương[649] qua chơi nước Sở, nhờ Di Tiết (một triều thần của Sở) giới thiệu với vua Sở, vua Sở không chịu tiếp, Di Tiết ra về liền. Bành Dương lại thăm đại phu Vương Quả, bảo:

- Sao ông không chịu nói giúp tôi với nhà vua?

- Vương Quả đáp:

- Tôi không được vua nễ bằng Công Duyệt Hưu[650].

- Công Duyệt Hưu là ai vậy?

- Ông ấy mùa đông bắt[651] ba ba ở sông Trường Giang, mùa hè nghỉ ở gần chân núi, có ai đi ngang qua hỏi thì đáp: “Nhà của tôi đấy”. Di Tiết còn không giúp ông được, huống hồ là tôi. Tôi không bằng ông ấy. Ông ấy không có đức hạnh nhưng khôn, không để lộ thâm ý của mình nên không ai dò được lòng ông[652], thích giao du với những người phú quí, không giúp ai tiến đức mà trái lại làm cho đức của người ta tiêu ma đi thôi. Người nào mùa đông bị lạnh thì bận thêm áo cho được ấm như như mùa xuân, người nào bị thương thì thử tìm thứ gió mát để được lạnh như mùa đông[653]. Vua Sở uy nghi mà nghiêm khắc, đối với kẻ phạm tội thì dữ như cọp, không tha. Ai mà dám thuyết phục ông ta, nếu không phải là người khéo nói hoặc có đức lớn?

Bậc thánh nhân [như Công Duyệt Hưu], lúc cùng khốn thì làm cho người ta quên cảnh nghèo khổ; lúc hiển đạt thì làm cho bọn vương công quên tước lộc mà hoá ra khiêm tốn. Thánh nhân có thể cùng vui với vạn vật, hoà đồng với mọi người mà vẫn giữ được bản tính, cho nên không nói mà làm cho người chung quanh hoà hợp, ở chung với ai thì khiến người đó tự cải hoá. Cha con hoà thuận, ai nấy đều giữ địa vị của mình. Nhưng hành vi của thánh nhân tự nhiên, an nhàn. Vậy mà đối với nhân tâm thật xa cách[654].

Vì vậy tôi khuyên ông tìm Công Duyệt Hưu mà nhờ giới thiệu.

 

2

Thánh nhân thấu suốt được vạn vật, bao quát được vũ trụ mà không hiểu tại sao. Đó là nhờ bẩm tính. Thánh nhân hành động theo bẩm tính, lấy tự nhiên làm chuẩn tắc. Người khác thấy vậy gọi là thánh.

Chỉ lo tri thức không đủ, nhưng tri thức không biết tới đâu là cùng, vậy thì nỗi lo cũng vô cùng, làm sao mà ngưng được?

Người nào sinh ra đã đẹp rồi, người khác có thể đưa gương cho soi[655] mà không cho hay là đẹp thì người đó cũng không biết là mình đẹp hơn người. Người đó cơ hồ như thấy mình đẹp, mà cũng cơ hồ như không thấy mình đẹp, cơ hồ biết người ta khen mà cũng cơ hồ như không biết người ta khen mình[656]. Nhờ vậy mà cái đẹp của người đó làm cho người khác thích hoài, mà người khác cũng yêu người đó hoài. Cái đẹp tự nhiên thì như vậy.

Bậc thánh nhân yêu người, người khác bảo vậy thì mới biết rằng mình yêu người, nếu không thì cũng không biết. Họ cơ hồ như thấy mà cơ hồ cũng như không thấy mình yêu người, cơ hồ như biết người ta khen mà cơ hồ như không biết người ta khen mình. Như vậy mà thánh nhân yêu người hoài và người khác cũng vui vẻ, tin cậy họ hoài. Cái đức tự nhiên thì như vậy.

 

3

Đi xa trở về, được trông lại tổ quốc cố hương thì lòng thấy sung sướng hoan hỉ; dù gò đống cây cỏ che lấp mất chín phần mười, lòng cũng vẫn thích, huống hồ là được thấy lại, nghe lại những cái mình đã thấy, đã nghe. Mình chăm chú nhìn như thể cái gì cũng ở trên cái đài cao mười nhẫn vậy.[657]

 

4

Vua Nhiễm Tương (hay Tướng?), đạt được Đạo mà ứng với mọi sự biến hoá như đứng ở trung tâm một cái vòng tròn từ đó phát ra những đường toả ra mọi phía. Ông hoà hợp với vạn vật, không có thuỷ (quá khứ) không có chung (vị lai), cũng không có hiện tại. Luôn luôn ông biến hoá với vạn vật, hợp nhất với cái không bao giờ biến hoá (tức Đạo). Ai cố ý bắt chước tự nhiên thì không bắt chước được vì bị vạn vật lôi cuốn, như vậy thì làm sao thành việc được? Vậy tôi với thánh nhân không có trời, không có người, không có thuỷ (trái với chung), không có vật. Thánh nhân hoà hợp với thế gian, cùng trôi nổi với đời mà không ngừng, đức hạnh đầy đủ, không suy bại, vô tâm và hợp với đạo, đâu có cần bắt chước cái gì?[658]

 

5

Vua Thang được trời cho trị dân, dùng ông Môn Doãn và ông Đăng Hằng làm sư phó, theo lời hai ông ấy mà không bị ảnh hưởng của họ, đạt được Đạo mà ứng với mọi sự biến hoá. Do đó người ta không khen hai ông sư phó mà khen vua Thang biết lựa người. Danh tiếng nổi lên mà pháp lệnh cũng thành, cả hai cái đó đều hiển hiện.

* * *

Khổng Tử bỏ hết cả ưu tư mà giúp vạn vật. Ông Dong Thành[659] bảo: “Bỏ ngày, bỏ năm đi, không có trong, cũng không có ngoài”.[660]

 

6

Nguỵ Oanh kí một minh ước với Điều hầu Mâu[661]. Điều hầu Mâu bội ước, Nguỵ Oanh giận, tính sai người ám sát. Công tôn Diễn[662] làm chức tê thủ, cho việc đó đáng xấu hổ, tâu:

- Bệ hạ làm vua một nước một vạn cổ xe mà lại sai một tên thất phu trả thù cho mình ư? Thần xin hai chục vạn quân qua đánh Tề, bắt dân Tề làm tù binh, lùa bò, ngựa của chúng về, vua Tề tất ưu sầu mà nổi nhọt ở lưng. Thần sẽ tiêu diệt nước Tề, Điền Kị[663] sẽ bỏ chạy, thần sẽ bắt, quất cho tới gãy xương sống.

Quí tử (một bề tôi của vua Nguỵ) nghe vậy, lấy làm xấu hổ, tâu với vua:

- [Xin bệ hạ đừng đem quân đánh Tề]. Chúng ta xây một cái thành cao mười nhẫn, nay thành đã xây xong. Nếu nó bị huỷ hoại thì đau lòng bọn khổ sai đã xây cất nó. Bảy năm nay nước mình không có chiến tranh, đó là công của bệ hạ. Công tôn Diễn là người gây loạn, không nên nghe.

Hoa tử (cũng là một bề tôi của vua Nguỵ) nghe vậy, lấy làm xấu hổ, tâu với vua:

- Kẻ nào khéo nói khuyên đánh Tề là kẻ gây loạn, kẻ nào khéo nói khuyên không đánh Tề cũng là kẻ gây loạn; mà kẻ nào bảo hai người đó đều là gây loạn thì chính kẻ ấy cũng gây loạn nữa.

Nguỵ Oanh hỏi:

- Vậy thì quả nhân phải làm sao? Hoa tử đáp:

- Bệ hạ cứ thuận theo Đạo mà làm.

[Nhà vua hoang mang]. Huệ tử dắt Đái Tấn Nhân[664] lại. Đái Tấn Nhân nói với vua:

- Nhà vua có biết con ốc sên không?

- Biết.

- [Nó có hai cái sừng]. Trên sừng bên trái của nó có một nước tên là Xúc[665], trên sừng bên phải có một nước tên là Man. Hai nước đó tranh đoạt đất của nhau hoài, số tử thương tới mấy vạn, khi quân một nước bại tẩu thì quân nước kia truy kích mười lăm ngày mới về.

- Ồ, truyện đó là truyện bịa, vô nghĩa.

- Tôi xin giảng cái nghĩa của nó cho nhà vua nghe. Nhà vua có cho rằng vũ trụ chung quanh chúng ta là vô cùng không?

- Nó vô cùng.

- Trong cái khoảng vô cùng đó, những quốc gia tiếp xúc nhau có phải là rất nhỏ, không đáng kể, có cũng như không không?

- Phải.

Đái Tấn Nhân nói tiếp:

- Trong các quốc gia ấy có nước Nguỵ, trong nước Nguỵ có kinh đô Lương và trong kinh đô ấy có nhà vua. Nhà vua với vua nước Man đó, có khác gì không?

- Không.

Khách về rồi, vua Nguỵ rầu rĩ như người mất hồn. Huệ tử vô, Nguỵ Oanh bảo:

- Người khách đó là một vị đại đức, bậc thánh nhân cũng không bằng đâu.

Huệ tử bảo:

- Như thổi vào ống tiêu thì tiếng vang lên, mà thổi vào cái lỗ vòng ở đầu cây kiếm thì tiếng rất nhỏ. Ai cũng khen vua Nghêu, vua Thuấn, nhưng hai vua đó so với Đái Tấn Nhân chỉ như những thanh âm thật nhỏ thôi.

 

7

Khổng Tử trên đường qua nước Sở, nghỉ tại nhà một người bán nước tương ở Nghi Khâu, thấy vợ chồng, tôi tớ, tì thiếp nhà hàng xóm leo lên đỉnh nhà [để nhìn ông]. Tử Lộ hỏi ông:

- Họ tụ họp ở trên đỉnh nhà làm chi vậy?

- Bên đó một môn sinh của thánh nhân mai danh trong dân chúng, ẩn náo ở chốn đồng ruộng, tên tuổi không ai biết đến, nhưng chí hướng thì vô cùng. Miệng người đó tuy nói mà lòng không nói. Không theo thế tục, không chen vai với người đời, không khác gì người ở trên cạn mà bị chết chìm vậy[666]. Người đó có phải là ông Nghi Liêu ở Thị Nam chăng?

Tử Lộ xin qua mời người đó sang chơi. Khổng Tử bảo:

- Đừng, vì ông ấy biết rằng thầy nhận ra được ông, mà lại biết thầy qua Sở, như vậy tất ngờ rằng thầy sẽ thuyết phục vua Sở vời ông ta. Với lại ông ta cho thầy là người khéo nói; như vậy thì nghe thầy nói ông ta cũng lấy làm xấu hổ rồi, huống hồ còn đích thân qua thăm thầy nữa. Mà ông ta cũng không còn ở đó nữa đâu.

Tử Lộ không nghe, cứ qua coi thì nhà đã không còn ai cả. 

 

8

Một viên quan coi biên cương ở Trường Ngô hỏi Tử Lao (một môn đệ của Khổng Tử):

- Ông vua trị dân không nên cẩu thả, cũng không nên khinh suất. Trước kia tôi làm ruộng, cày qua loa cho xong, mà bừa cũng sơ sài, cho nên mùa màng không trúng. Mấy năm nay tôi thay đổi phương pháp: cày sâu mà bừa kĩ nên trúng mùa, ăn quanh năm không hết.[667]

Trang tử nghe được lời đó, bảo:

- Hiện nay trong việc dưỡng thân tu tâm, nhiều người cũng mắc cái lỗi của viên quan coi biên cương đó, làm trái luật tự nhiên, không theo bản tính của mình, diệt tình cảm thành thực, đánh mất tâm thần mà chạy theo quần chúng. Như vậy là cẩu thả với bản tính, để cho vật dục, tội ác xâm chiếm bản tính mà phát sinh mạnh mẽ như cỏ dại, diệt mất bản tính mà tinh khí tiêu tán hết. Như ung nhọt vỡ mũ, nội nhiệt, lao tổn vậy.

 

9

Bá Củ học Lão Đam, một hôm thưa:

- Thầy cho con đi du lịch khắp thiên hạ.

Lão Đam bảo:

- Để làm gì? Chỗ nào cũng như đây thôi.

Bá Củ lại xin nữa. Lão Đam hỏi:

- Anh muốn tới nước nào trước.

- Tới nước Tề trước.

Tới Tề, Bá Củ thấy một người bị xử tử, lật lại cho ngay ngắn, lấy triều phục đắp cho, rồi kêu trời mà khóc:

- Hởi ơi! Hởi ơi! Ông đã bị tai hoạ lớn nhất trên đời. Người ta đã bảo không được ăn cướp, không được giết người. Vinh nhục phân biệt ra rồi mới gây tội ác, của cải tích tụ rồi mới sinh ra tranh đoạt. Ngày nay những những tội ác, những tranh đoạt đó làm khốn khổ hình hài con người, không lúc nào được nghỉ ngơi. Muốn khỏi bị như ông, phỏng có được không?

Các vua thời xưa hễ thành công là cho là nhờ dân, thất bại thì nhận lấy là vì mình; chính trực được là nhờ dân [giữ phép nước], cong queo là tại mình. Cho nên có một người dân đói rét thì vua tự trách mình. Ngày nay không vậy. Vua chúa giấu ý định của mình mà cho kẻ nào không đoán được là ngu; bắt dân làm những việc khó quá mà buộc tội những kẻ nào không dám làm; giao cho những trách nhiệm nặng nhọc quá mà trừng phạt kẻ nào không gánh vác nổi; định những cái đích xa quá mà giết kẻ nào không đạt được. Vì vậy dân chúng tận dụng trí lực mà không được mới phải giả dối. Giả dối mỗi ngày mỗi nhiều, dân làm sao chống lại được?[668] Sức mạnh không đủ thì đành phải giả dối, trí tuệ không đủ thì phải dối trá, tiền của không đủ thì đành phải ăn trộm ăn cắp. Dân mà ăn trộm ăn cắp thì ai là người đáng trách (vua hay dân)?.

 

10

Cừ Bá Ngọc [đại phu nước Vệ] sáu chục tuổi mà sáu chục lần thay đổi ý kiến, không lần nào cho là trái một điều trước kia nhận là phải. Không biết điều mà hiện nay ông ta nhận là phải thì năm mươi chín năm trước có cho là trái không? Vạn vật sinh ra từ một cái gì đó nhưng không biết gốc của chúng ở đâu. Thấy chúng ra đấy mà không biết chúng ra bằng cửa nào [vì Đạo không có hình thể, không ai thấy được]. Ai cũng trọng cái mà trí tuệ biết được, mà không ai thấy rằng phải nhờ cái mà trí tuệ không biết được rồi mới biết được đạo lí[669]. Như vậy chẳng là mê hoặc lớn ư? Thôi đi! Thôi đi! Không sao tránh được sự lầm lẫn ấy. Cái mà người ta cho là phải, có thực là phải không?

 

11

Khổng Tử hỏi ba ông thái sử [viên quan chép sử] Đại Tháo, Bá Thường Khiên và Hi Vi:

- Vệ Linh công say đắm rượu và nhạc, không lo việc nước, mãi săn thú bằng tên và bằng lưới, không dự các cuộc hội họp với chư hầu, vậy mà sao được tên thuỵ là Linh Công?[670]

Đại Thao đáp:

- Linh là tên thuỵ của người vô đạo, đặt như vậy là phải.

Bá Thường Khiên bảo:

- Một hôm Linh công đương tắm chung với ba bà vợ trong một cái bồn thì quan đại phu Sở Thu có việc gấp phải vô. Linh công với lấy khăn che mình và bảo ba bà vợ che mình đi. Tuy dâm dật nhưng biết trọng người hiền, vì vậy mà đặt tên là Linh công.

Hi Vi bảo:

- Khi Linh công chết, người ta bói xem nên chôn ông ở đâu. Quẻ bảo chôn ở bên mộ tổ tiên thì không tốt, nên chôn ở Sa Khâu. Đào sâu được vài nhẫn thì thấy một cái quách cổ bằng đá. Chùi rửa sạch rồi, đọc được hàng chữ này trên quách: “Con cháu không được chôn ở đây. Linh công sẽ được chôn ở đây”. Vậy là việc đặt tên là Linh công đã quyết định từ trước rồi, hai ông kia [Đại Thao và Bá Thường Khiên] làm sao mà biết được?

 

12

Thiều Trí hỏi Thái Công Điều[671]:

- Thế nào là lời[672] trong xóm làng?

Thái Công Điều đáp:

- Làng xóm gồm mười nhà, khoảng trăm người thành một đơn vị phong tục. Tập hợp nhiều cái bất đồng thì thành cái tương đồng, phân tán một cái tương đồng ra thì thành nhiều cái bất đồng. Người ta có thể thấy một trăm bộ phận của con ngựa mà không biết thế nào là con ngựa. Nhưng trông thấy một con ngựa ở trước mắt với trăm bộ phận của nó thì biết ngay thế nào là con ngựa. Các lớp đất nhỏ chồng chất lên nhau mà thành gò, núi. Các dòng nước nhỏ tập hợp lại với nhau mà thành sông Trường Giang, sông Hoàng Hà. Bậc đại nhân tập hợp những kinh nghiệm riêng của từng người mà tìm ra được nguyên tắc chung.

Kinh nghiệm nào từ ngoại giới vô, được nội tâm chấp nhận, thì không còn mang thành kiến nữa, ý nào từ nội tâm phát ra hợp với chính đạo thì sẽ phổ biến khắp nơi.

Bốn mùa khí hậu khác nhau, trời không thiên vị mùa nào, nhờ vậy mà thành một năm. Năm vị đại thần [thượng thư] mỗi vị có một chức vụ, vua không thiên vị người nào, nhờ vậy mà nước được bình trị. Các quan văn và các quan võ tài năng khác nhau, vua không thiên vị với bên văn hay bên võ, nhờ vậy quốc gia có đủ người tài.

Mỗi vật có một lí do tồn tại riêng của nó. Đạo không thiên vị với vật nào, vì vậy mà “vô danh” (không có tên gọi). Vì vô danh nên “vô vi”, không làm gì cả, không làm mà không gì không làm. Thời gian có lúc đầu, lúc cuối; thế giới có sự biến hoá, hoạ và phúc tiếp theo nhau, ở phương diện này là trái, không hợp, mà ở phương diện khác là phải, là hợp. Mỗi vật đều theo đuổi một mục tiêu riêng, xu hướng khác nhau. Như trong cái chằm lớn cả trăm giống cây cùng sống, mà trên núi lớn cây và đá cùng chung một nền[673]. Như vậy là lời trong làng xóm.

Thiều Trí hỏi:

- Như vậy có thể gọi tất cả cái đó là Đạo không?

Thái Công Điều đáp:

- Không. Số vật ở trên thế giới nào phải chỉ có một vạn, sở dĩ gọi là “vạn vật” là vì tiếng “vạn” đó gợi ý nhiều thế thôi. Cũng vậy, hai tiếng “trời đất” gợi ý cái hình thể rất lớn, mà hai chữ “âm dương” gợi ý cái khí rất lớn. Cũng vậy, “Đạo” bao gồm tất cả, vì nó lớn mà gọi nó như vậy. Nó có tên đó nhưng nó có thể so sánh với cái không có tên không?[674] Gọi nó là Đạo để dễ nói thì cũng như ta đặt tên “ngựa”, “chó”, xa với thực tại nhiều quá.

Thiều Trí hỏi:

- Những vật ở trong bốn phương và lục cực do đâu mà sinh ra?

Thái Công Điều đáp:

- Hai khí âm, dương chiếu lẫn nhau, bao lẫn nhau, thay đổi nhau. Bốn mùa tuần hoàn, tương sinh tương sát, do đó mà có yêu ghét, dang ra, xích lại. Giống đực giống cái giao hợp, sinh sản bất tuyệt. An nguy nối tiếp nhau mà hoạ phúc tương sinh. Nhanh chậm đụng chạm nhau, do đó mà có tụ hợp và phân tán. Tất cả những cái đó có danh có thực, có thể kể ra được; những cái tinh vi có thể ghi chép được. Những cái gì nối tiếp nhau đều có thứ tự, những cái gì biến chuyển đều theo một luật, hễ tới cùng thì quay trở lại (cùng tắc phản), hết rồi thì lại bắt đầu. Do đó hiện đạt được bề ngoài của vạn vật thôi. Người đạt Đạo không tìm chung cục, không trở lui về nguyên thuỷ của vạn vật, vì cái đó vượt ra ngoài sự nghị luận.

Thiều Trí hỏi:

- Theo Quí Chân thì thời nguyên thuỷ, không có vật gì hoạt động cả; theo Tiếp tử thì có cái gì hành động mà tạo ra thế giới. Hai thuyết đó, thuyết nào đúng?

Thái Công Điều đáp:

- Gà gáy, chó sủa, cái đó ai cũng biết. Nhưng dù là bậc đại trí cũng không biết được tại sao con nọ gáy, con kia sủa mà không thể suy đoán được rồi rốt cuộc ra sao. Phân tích [nguyên nhân và cứu cánh, nguồn gốc và chung cục] thì rốt cục sẽ nghĩ rằng có cái cực nhỏ không thể so sánh được và cái cực lớn không có giới hạn.

“Có cái gì hành động mà tạo ra thế giới”, với “không có vật gì hành động cả”, hai thuyết đó đều đứng về phương diện vật thể mà lập luận, đều sai cả. “Có cái gì hoạt động” là thuyết “thực”; “không có gì hành động” là thuyết “hư”. Cái gì có “danh” có “thực” thì ở trong khu vực “chân thực”; cái gì vô danh, vô thực thì ở trong khu vực không hư của vật. Cái gì có thể dùng lời nói mà diễn, dùng trí mà suy đoán, cái đó li khai Đạo lớn rồi.

Sự sinh không thể tránh được, sự tử không thể ngăn được, sinh và tử liên quan mật thiết tới ta mà ta không thấy được lí do. Thuyết có cái gì tạo ra thế giới và thuyết trái lại, thực ra chỉ là những giả thuyết vì còn ngờ mà đặt ra. Đi ngược về thời nguyên thuỷ, tôi chỉ thấy vô cùng, mà tìm sự kết thúc trong vị lai, tôi cũng chỉ thấy vô tận. Hai cái vô cùng đó đều vượt ra ngoài khu vực ngôn ngữ mà cùng một lí với vạn vật. Hai thuyết có cái gì tạo ra thế giới và không có cái gì sáng tạo đều là những lời nói hạn chế ở khu vực vạn vật.[675]

Đạo không thể “có” mà cũng không thể “không”, gọi nó là Đạo chỉ là đặt tạm cho nó cái tên để dễ nói thôi. Hai thuyết trên kia chỉ nhìn vào một khía cạnh tức sự vật, chứ không đạt được cái nguyên tác lớn (tức Đạo). Nếu dùng lời nói mà đủ thì chỉ cần nói về Đạo suốt ngày là hiểu hết về nó; nếu dùng lời nói mà không đủ thì có nói suốt ngày cũng chỉ quanh quẩn nói về vật [làm sao mà hiểu về Đạc được?].

Cảnh giới tối cao của Đạo và vật, ngôn ngữ và trầm tư đều không thể “chở” nó được. Không nói gì cả, cũng không trầm tư, đó là cái mức cao nhất của nghị luận[676].

 

NHẬN ĐỊNH

Nội dung chương này cũng rất hỗn tạp: có 4 bài không liên quan gì tới học thuyết của Trang, chẳng hạn bài 3 nói về cái vui khi thấy lại cố hương; bài 7 kể truyện một ẩn sĩ muốn thấy mặt Khổng Tử mà không thèm tiếp Khổng Tử; nhất là bài 11 kể lí do đặt tên thuỵ cho vua Vệ Linh công. Có bài rất ngắn như các bài 3, 4, 5; có bài rất dài như bài 12.

Xét những bài quan trọng thì ta thấy bài 9, 12 diễn tư tưởng của Lão tử; bài 4, 10 diễn tư tưởng của Trang tử.

Như câu: “Vinh nhục phân biệt ra rồi mới gây ra tội ác; của cải tích tụ rồi mới gây ra sự tranh đoạt” (bài 9), và câu: “Đạo không thiên vị vật nào vì vậy mà “vô danh”; vì vô danh cho nên “vô vi”, không làm gì cả mà không có gì là không làm” (bài 12) đều diễn lại những ý của Lão tử. Trong bài 12, tác giả còn muốn suy diễn đến triệt để câu: “Đạo khả đạo phi thường Đạo” của Lão, cho nên chê tất cả những người nói về Đạo, dù họ cho Đạo là “vô” hay “hữu”: “Có cái gì hành động mà tạo ra thế giới” với “không có gì hành động”, hai thuyết đó đều đứng về phương diện vật thể mà lập luận, đều sai cả”. Cuối cùng tác giả kết luận: “…ngôn ngữ và trầm tư đều không thể “chở” được Đạo. Không nói gì cả, cũng không trầm tư, đó là cái mức cực cao của nghị luận”.

Còn như giống với Trang tử thì có câu: “Đối với thánh nhân thì không có trời, không có người, không có thuỷ (trái với chung), không có vật. Thánh nhân hoà hợp với thế gian, cùng trôi nổi với đời mà không ngừng…” (bài 4); nhất là câu này ở cuối bài 10: “Ai cũng trọng cái mà trí tuệ biết được mà không ai thấy rằng phải nhờ cái trí tuệ không biết được, rồi mới biết đạo lí” mà chúng ta có thể so sánh với câu: “Biết được nhân sự là dùng cái mà trí tuệ có thể biết được để bảo hộ cái mà trí tuệ không thể biết được…” trong Đại tôn sư 1.

Vì nội dung hỗn tạp như vậy nên ta có thể tin rằng chương này do nhiều người viết, mà một số người này chịu ảnh hưởng của Lão hoặc của Trang. La Căn Trạch sắp họ vào phái Đạo gia vì Đạo gia gồm những nhà tu hành theo cả Lão, Trang.

 

Chú thích :

[649] Tắc Dương, tên tự của Bành Dương là người nước Lỗ, đi khắp các nước để thuyết phục các vua chúa, sau cùng tới Sở, muốn giúp Sở Văn vương.

[650] Một ẩn sĩ của Sở.

[651] Có sách giảng là đâm. Nhưng ba ba cũng như rùa, làm sao đâm được.

[652] Nguyên văn: dĩ chi thần kì giao. L.K.h. dịch là: không nghe linh hồn mình (?).

[653] Ý muốn nói tuỳ hoàn cảnh chăng?

[654] Nghĩa là có tâm hồn siêu thoát, không quan tâm tới việc đời, không cố ý làm việc thiện, cứ hồn nhiên.

[655] Nguyên văn: nhân dữ chi giám. L.K.h. dịch là: Những người khác làm tấm gương cho người ấy soi.

[656] Nghĩa là người khác bảo vậy thì hay vậy chứ không tự đắc.

[657] Câu này không ai hiểu tác giả muốn nói gì.

[658] Bài này rất tối nghĩa, mỗi sách dịch một khác. Tôi châm chước H.C.H.

[659] Nhân vật thời vua Hoàng Đế, có sách bảo là vua trước khi Hoàng Đế lên ngôi, có người bảo là bề tôi của Hoàng Đế, và là người đặt ra lịch.

[660] Vì có ngày thì mới có đêm, ngày là một phần của năm, cho nên không phân biệt ngày và đêm, vì có trong thì mới có ngày, đâu là giới hạn của trong và ngoài?

[661] Nguỵ Oanh, tức vua Huệ vương nước Nguỵ. Điều hầu tức vua uỷ vương nước Tề, tên Mân. [Tôi ngờ rằng (tên) Mâu in sai thành (tên) Mân.

[662] Công Tôn Diễn làm chức tê thủ, một chức tướng quân, đội cái mũ như đầu con tê ngưu, một loài vật tựa con trâu, có mỗi một sừng.

[663] Theo Thành Huyền Anh, Điền Kị là tướng nước Tề.

[664] Đái Tấn Nhân là một người hiền nước Lương, tức nước Nguỵ. Huệ tử đây là Huệ Thi, bạn của Trang tử, và làm tể tướng nước Nguỵ.

[665] Xúc có nghĩa là đụng chạm. Man là man di. Xúc tượng trưng cho các nước xâm lăng.

[666] Ý nói ẩn dật chìm trong đám đông.

[667] Đoạn này L.K.h. dịch ngược hẳn, bảo phải cày sâu

[668] Ý muốn nói: Khi sự giả dối tăng lên quá, gần thành thông lệ thì người ngay thẳng có muốn chống lại cũng không được.

[669] Ý câu này gần giống hệt ý câu sau đây trong bài Từ Vô Quỉ 15: “Trí tuệ chỉ biết được một ít sự vật, nhưng nhờ có tất cả những cái nó không biết mà nó mới hiểu được thế nào là Đạo tự nhiên”. 

[670] Hồi xưa, các sử gia theo hành vi đức hạnh của vua trong khi còn sống mà đặt tên thuỵ cho vua. Khổng Tử có ý chê ba ông thái sư đó là đặt tên thuỵ mà không đúng. Linh công ham mê tửu sắc, bỏ bê việc nước, đâu có thông minh tài giỏi mà đặt tên thuỵ là Linh.

[671] Tên này tượng trưng cho sự điều hoà, hoà hợp trong vũ trụ mà trí không của con người (Thiều Trí) không sao hiểu nổi.

[672] Nguyên văn là ngôn. H.C.H. dịch là ngôn luận. L.K.h. dịch là ngôn ngữ.

[673] Nghĩa là cây, đá tuy khác nhau, nhưng cùng nằm trên núi hoặc đâm rễ trong núi.

[674] Ý muốn nói: Đạo vốn không thể dùng một tên nào để gọi được, tạm gọi nó là Đạo, vì nó lớn, bao quát tất cả, nhưng tên đó không phải là nó.

[675] Nghĩa là chỉ xét vạn vật mà suy ra như vậy, không thể bảo là biết rõ chân tướng của Đạo được.

[676] Nguyên văn: phi ngôn, phi mặc, nghị kì hữu cực. L.K.h. dịch là: “cảnh giới tối cao của Đạo và vật đó vượt lên khỏi ngôn ngữ và trầm tư, ra ngoài mọi nghị luận của loài người”.

(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)

 

Tags: [Đạo Lão] [Lão Trang] [Trang Tử] [Nam Hoa Kinh] [Trang Tử Nam Hoa Kinh]

 

   Đạo LãoTrang Tử Nam Hoa Kinh - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 24 - TỪ VÔ QUỶ 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 23 - CANH TANG SỞ 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 22 - TRÍ BẮC DU 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 21 - ĐIỀN TỬ PHƯƠNG 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 20 - SƠN MỘC 莊子 南華經