Astrology.vn - Ngài muốn chỉ thẳng cho chúng ta biết Cực Lạc ở ngay trước mắt, đừng tìm Cực Lạc ở đâu xa, ngay trước mắt chúng ta tâm tịnh thì độ tịnh. Lúc nào tâm chúng ta lăng xăng, rối loạn là khổ, tâm thanh tịnh là lạc. Quí Phật tử thử nhớ buổi tối nằm lại nhắm mắt ngủ nhưng trong đầu cứ rối bời, lúc đó thật là khổ...

 

Dịch

Cúi mong, sao Bắc Đẩu chuyển về phương bắc, giải Ngân hà nghiêng hẳn về tây. Bên gối giấc mộng còn say, trên lầu tiếng sừng vừa dứt. Chúng Tỳ-kheo họp nơi chiếu phạm, trước đức Phật dâng nén hương tin. Hương này giống từ cung nguyệt đem về, trong non rễ quấn chằng chịt. Dáng hình khác tục, thể chất phi phàm. Vượt xa Tước Đầu ở nước Ngô, cao hơn Qui Giáp ở Quế Lâm. Nơi đốt không dung lửa sân, khói bay bèn nhờ gió từ. Nào phải hương phàm hạ phẩm, hẳn là vị lạ thượng phương. Mỏng mỏng tơ bay kết thành điềm tốt, ngạt ngào khí lạ tụ hội duyên lành. Nghi ngút trước ngôi tòa báu, phảng phất ngoài bức rèm châu. Quay đầu tìm biết, quang minh ngay đó tự nhiên sanh. Thấy mặt ngửi huân, tịch diệt do đây chứng được. Nay lúc cuối đêm, đốt hương cúng dường.   

KỆ DÂNG HƯƠNG

            Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,

            Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,

            Đao giới vót thành hình non thẳm,

            Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.

KỆ DÂNG HOA

            Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,

            Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.

            Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,

            Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.

HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH

Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền, vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên, trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.

Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.

(một lạy)

TÂU BẠCH

(Lại niêm hương quì bạch)

Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư; rót cam lồ cứu đàn đói khát, cầm thần châu gieo chỗ tối tăm. Trộm nghĩ: Trùng thúc năm dạo, gà giục ba hồi. Bóng đuốc tiệc hoa vừa tàn lụi, dải sao Ngân hà sắp lặn chìm. Giấc bướm lại quay về thế mộng, chuông chùa phá vỡ chốn âm u. Đầu non biếc ngậm nửa trăng mờ, mặt biển xanh vầng hồng chưa hiện. Vách cũ dế kêu từng chập, đường quan vó ngựa nhịp đều. Đầu thành làn khói nhạt bao quanh, ngoài trời màn sương sớm che phủ. Chính là lúc đạo sĩ luyện tu, cũng là thời chư Tăng hành đạo. Đường đời mờ mịt, quần sanh rối bời. Tuy sợ đang đêm ôm gối ngủ, chưa tỉnh trọn đời mở mắt mê.

Chư Phật tử! Nếu mặc suốt đêm theo dục lạc, bèn khiến trọn ngày chịu tâm mê. Đến nỗi trói buộc một đời, đều bởi Tán Hôn hai chữ. Vì ngươi mở thẳng một con đường, để lại mai sau Tác gia ngắm. Nên biết, mạng người khó thường, chớ để thời này qua rỗng. Nhìn lấy Tịnh độ trước mắt, nhận ra trong tâm Di-đà. Nếu hay ưa vui gánh vác, liền được trong ấy hiện ra. Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ cuối đêm.

Tâu bạch rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.

(một lạy)

 

 

 

Giảng

DÂNG HƯƠNG CUỐI ĐÊM

“Cúi mong, sao Bắc Đẩu chuyển về phương bắc, giải Ngân hà nghiêng hẳn về tây. Bên gối giấc mộng còn say, trên lầu tiếng sừng vừa dứt. Chúng Tỳ-kheo họp nơi chiếu phạm, trước đức Phật dâng nén hương tin. Hương này giống từ cung nguyệt đem về, trong non rễ quấn chằng chịt. Dáng hình khác tục, thể chất phi phàm. Vượt xa Tước Đầu ở nước Ngô, cao hơn Qui Giáp ở Quế Lâm. Nơi đốt không dung lửa sân, khói bay bèn nhờ gió từ. Nào phải hương phàm hạ phẩm, hẳn là vị lạ thượng phương. Mỏng mỏng tơ bay kết thành điềm tốt, ngạt ngào khí lạ tụ hội duyên lành. Nghi ngút trước ngôi tòa báu, phảng phất ngoài bức rèm châu. Quay đầu tìm biết, quang minh ngay đó tự nhiên sanh. Thấy mặt ngửi huân, tịch diệt do đây chứng được. Nay lúc cuối đêm, đốt hương cúng dường.”

“Sao Bắc Đẩu chuyển về phương bắc, giải Ngân hà nghiêng hẳn về tây. Bên gối giấc mộng còn say, trên lầu tiếng sừng vừa dứt.” Đây là chỉ lúc gần sáng, còn đang gối đầu ngủ say thì trên lầu tiếng sừng tức là tiếng tù và vừa dứt. Ngày xưa, gần sáng người ta thổi tù và trong thành phố cho mọi người thức dậy, cũng như ngày nay có tiếng kèn trong trại lính. Giờ đó:

“Chúng Tỳ-kheo họp nơi chiếu phạm, trước đức Phật dâng nén hương tin.” Phạm là thanh tịnh. Nghĩa là ở trước Phật trải chiếu, chúng Tỳ-kheo tụ hội lại chuẩn bị tụng kinh, tọa thiền, trước Phật dâng nén hương gởi gấm tất cả lòng tin. Tỳ-kheo hay Bí-sô, Bí-su là phiên âm từ chữ Phạn Bhiksu, nhưng sau này dùng chữ Tỳ-kheo làm chánh. Tỳ-kheo có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma và phá ác. Nghĩa thông dụng nhất là khất sĩ, tức là kẻ ăn mày. Một là ăn mày lương thực của Phật tử, hai là ăn mày chánh pháp của Phật. Vì người tu cần giữ cho thân khỏe mạnh nên phải ăn mày lương thực để có phương tiện nuôi thân. Nhưng không phải chỉ ăn để sống, mà còn phải tu nên chúng ta phải ăn mày chánh pháp của Phật để nuôi dưỡng trí tuệ, trong nhà Phật gọi là Giới thân tuệ mạng, để trở thành con người giải thoát.

Bố ma là ma sợ. Trong kinh điển, người tu thọ giới Tỳ-kheo rồi thì ma sợ. Tại sao? Chúng ta đâu có bùa chú gì để ma sợ, nhưng Tỳ-kheo là người tu hạnh giải thoát, quyết ra khỏi tam giới, nên Ma vương hay Thiên ma sợ ra khỏi vòng kiểm soát của nó, vì thế thấy ai tu gần giải thoát là nó phá triệt để. Có những Tỳ-kheo ngồi thiền quán vô thường, thấy quả đất rung chuyển, vì thế ma thấy như quả đất của nó bị tan vỡ. Tu là làm lành nghĩ tốt, vượt khỏi tam giới để giáo hóa chúng sanh, lẽ ra ma đang ở trong cảnh khổ nó phải thương giúp mình, tại sao lại phá? Nhưng sự thật khi một người vuợt khỏi tam giới thì thế giới ma bị tan nát, nên tu ít nó phá ít, tu nhiều nó phá nhiều. Đức Phật khi thành đạo ma đến phá đủ cách, đến khi hoàn toàn không được nó mới hoảng sợ. Vậy đã là Tỳ-kheo thì không được sợ ma, nếu sợ ma là làm trái ngược những gì đang lãnh thọ, đang thực hành.

Phá ác tức là tất cả những phiền não ác độc chúng ta dẹp hết không còn thừa. Một Tỳ-kheo không thể nói tôi tức quá, tôi giận quá. Tức giận là điều ác mà ôm ấp, lại khoe với người, đó là còn nuôi cái ác, vậy chưa phải là Tỳ-kheo. Thật là khó! Nhiều vị muốn thọ giới cao, làm người lớn, mà không hiểu ý nghĩa thọ rồi phải làm gì cho xứng đáng. Vậy được thọ Tỳ-kheo phải hăng hái vươn lên làm đúng ý nghĩa đó.

Tóm lại chữ Tỳ-kheo, nghĩa thông dụng nhất là khất sĩ, tức là khất thực để có cơm ăn. Lại có nghĩa là xin giáo pháp của Phật để nuôi dưỡng Giới thân huệ mạng. Nghĩa thứ hai là bố ma là ma sợ chúng ta, chớ chúng ta không được sợ ma. Nghĩa thứ ba là phá ác, tất cả tam độc chúng ta phải thắng chớ không nuôi dưỡng chúng. Như vậy mới xứng đáng là Tỳ-kheo, trái lại nếu không xứng đáng có gọi Tỳ-kheo cũng chỉ là tên suông, không có giá trị thật.

“Hương này giống từ cung nguyệt đem về, trong non rễ quấn chằng chịt.” Hương này ở trên cung trăng đem về, không phải tầm thường, gốc nó từ trong rừng núi.

“Dáng hình khác tục, thể chất phi phàm.” Hương này hình dáng khác với thế tục, thể chất không phải theo phàm tình.

“Vượt xa Tước Đầu ở nước Ngô, cao hơn Qui Giáp ở Quế Lâm.” Ở Trung Hoa, vùng sông Dương Tử, nếu từ trên nguồn đi xuống thì nước Ngô ở phía tay mặt, còn từ biển đi lên thì ở phía tay trái, nên ngày xưa gọi là Giang Tả, cũng gọi là Đông Ngô, vùng đó có loại hương Tước Đầu thơm nhất. Quế Lâm là một tỉnh ở Trung Quốc, nơi đó người ta tinh luyện quế hương để trang sức, hình nó giống như mai rùa nên gọi là hương Qui Giáp. Hai loại hương này thơm quí nhất ở Trung Hoa, nhưng hương cúng Phật còn vượt xa hơn.

“Nơi đốt không dung lửa sân, khói bay bèn nhờ gió từ.”      

Hương này lửa sân không đốt được mà phải lửa thanh khiết. Thường chúng ta nóng giận thì gọi là lửa sân, hương này đốt lên lửa sân phải tiêu. Khói hương bay không do gió thường thổi mà phải là ngọn gió từ bi.

“Nào phải hương phàm hạ phẩm, hẳn là vị lạ thượng phương.” Hương này không phải như hương thường ở thế gian thuộc hạ phẩm mà hẳn là hương lạ ở cõi trên. Ngài diễn tả làn hương bay:

“Mỏng mỏng tơ bay kết thành điềm tốt, ngạt ngào khí lạ tụ hội duyên lành, nghi ngút trước ngôi tòa báu, phảng phất ngoài bức rèm châu.” Làn khói hương mỏng mỏng kết thành điềm tốt, mùi thơm ngạt ngào của khí lạ tụ hội thành duyên lành. Hương đốt trước ngôi tòa báu của Phật, mùi thơm phảng phất ngoài bức rèm châu.

“Quay đầu tìm biết, quang minh ngay đó tự nhiên sanh. Thấy mặt ngửi huân, tịch diệt do đây chứng được.” Ai biết quay đầu lại tìm biết hương này thì ánh sáng ngay đó tự nhiên sanh. “Quay đầu tìm biết” mang ý nghĩa thiền, xoay đầu nhìn lại mình thì khi ấy ánh sáng tự nhiên của mình được phát ra. “Thấy mặt ngửi huân” là thấy được mùi hương mình ngửi, huân được mùi hương thanh tịnh thì chứng quả Niết-bàn tịch diệt. “Nay lúc cuối đêm, đốt hương cúng dường.”

KỆ DÂNG HƯƠNG

            Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,

            Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,

            Đao giới vót thành hình non thẳm,

            Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.

KỆ DÂNG HOA

            Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,

            Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.

            Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,

            Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.

 

HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH

“Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền, vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên, trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.

Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.”

TÂU BẠCH

“Kính bạch mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư; rót cam lồ cứu đàn đói khát, cầm thần châu gieo chỗ tối tăm. Trộm nghĩ: Trùng thúc năm dạo, gà giục ba hồi. Bóng đuốc tiệc hoa vừa tàn lụi, dải sao Ngân hà sắp lặn chìm. Giấc bướm lại quay về thế mộng, chuông chùa phá vỡ chốn âm u. Đầu non biếc ngậm nửa trăng mờ, mặt biển xanh vầng hồng chưa hiện. Vách cũ dế kêu từng chập, đường quan vó ngựa nhịp đều. Đầu thành làn khói nhạt bao quanh, ngoài trời màn sương sớm che phủ. Chính là lúc đạo sĩ luyện tu, cũng là thời chư Tăng hành đạo. Đường đời mờ mịt, quần sanh rối bời. Tuy sợ đang đêm ôm gối ngủ, chưa tỉnh trọn đời mở mắt mê.

Chư Phật tử! Nếu mặc suốt đêm theo dục lạc, bèn khiến trọn ngày chịu tâm mê. Đến nỗi trói buộc một đời, đều bởi Tán Hôn hai chữ. Vì ngươi mở thẳng một con đường, để lại mai sau tác gia ngắm. Nên biết, mạng người khó thường, chớ để thời này qua rỗng. Nhìn lấy Tịnh độ trước mắt, nhận ra trong tâm Di-đà. Nếu hay ưa vui gánh vác, liền được trong ấy hiện ra. Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ cuối đêm.”

“Kính bạch mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư”, nói gọn là mười phương ba đời tất cả chư Phật. “Rót cam lồ cứu đàn đói khát, cầm thần châu gieo chỗ tối tăm.” Phật rót nước cam lồ để cứu đàn con dại đang lang thang đói khát, cầm hạt châu sáng gieo vào chỗ tối tăm cho những người đang ở chỗ u minh tìm được đường đi, thấy được lối ra.

“Trộm nghĩ trùng thúc năm dạo, gà giục ba hồi.” Lúc canh năm các côn trùng dế ve... kêu từng chập, gã đã gáy ba đợt.

“Bóng đuốc tiệc hoa vừa tàn lụi, dải sao Ngân hà sắp lặn chìm.” Nơi cung điện đèn đuốc trong những buổi tiệc hoa vừa tàn, nhìn lại dải sao Ngân hà sắp lặn.

“Giấc bướm lại quay về thế mộng, chuông chùa phá vỡ chốn âm u.” Giấc bướm là giấc điệp hay mộng điệp. Qua một đêm ngủ say bao nhiêu giấc mộng dồn dập, nay thức giấc, tất cả đều là mộng của thế gian, không có thật. Bỗng tiếng chuông chùa vang lên phá vỡ chỗ âm u tăm tối. Buổi khuya chuông chùa gióng lên báo hiệu gần sáng, mọi người chuẩn bị lo buổi sáng. Câu này trong phần chữ Hán có từ ngữ: Bồ lao. Bồ lao là dùi chuông đóng, do tích: Thuở xưa tại một hòn đảo ở Ấn Độ có con cá kình, mỗi khi nó ngửng đầu nổi trên mặt nước, nước dâng lên thành lụt nên dân trên đảo rất sợ. Khi cá kình trồi lên, con bồ lao thấy hét lên một tiếng, cá kình sợ lặn xuống, dân trên đảo khỏi bị ngập lụt. Thế nên về sau trong chùa làm chuông chạm hình cá kình, dùi chuông đóng chạm hình bồ lao, chày đóng vào chuông tượng trưng tiếng hét con bồ lao cứu dân hết khổ. Vì thế khi nghe tiếng chuông mọi người đều giảm khổ đau trong cuộc đời này và trong cõi địa ngục u minh.

“Đầu non biếc ngậm nửa trăng mờ, mặt biển xanh vầng hồng chưa hiện.” Trên đầu non xanh, vầng trăng đã khuất phân nửa. Trên biển xanh mặt trời hồng chưa hiện.

“Vách cũ dế kêu từng chập, đường quan vó ngựa nhịp đều.” Trong những vách cũ rêu phong tiếng dế kêu từng chập. Trên đường quan chân ngựa bắt đầu nhịp đều.

“Đầu thành làn khói nhạt bao quanh, ngoài trời màn sương sớm che phủ.” Đầu thành phố có những làn khói nhạt bao quanh, sáng sớm sương khói mờ mờ che phủ.

“Chính là lúc đạo sĩ luyện tu, cũng là thời chư Tăng hành đạo.” Đây là giờ những đạo sĩ tu tiên bắt đầu thức dậy luyện tập, cũng là giờ chư Tăng tụ hội tụng kinh tọa thiền.

“Đường đời mờ mịt, quần sanh rối bời.” Đường đời đủ các thứ dụ dỗ lôi cuốn làm cho con người phải mê lầm chìm đắm quay cuồng trong đó không tìm được lối ra.

“Tuy sợ đang đêm ôm gối ngủ, chưa tỉnh trọn đời mở mắt mê.” Tối kê đầu trên gối ngủ đó là mê. Người biết tu sợ ngủ là mê, nhưng nếu thức mà chưa tỉnh giác thì dù đi lại nói năng cũng vẫn là kẻ mê, mở mắt mà mê. Ngủ mê là do nhắm mắt, còn thức mê là do trí chưa mở, tuy mở mắt mà vẫn mê, đây là lời nhắc nhở rất chí thiết.

“Chư Phật tử! Nếu mặc suốt đêm theo dục lạc, bèn khiến trọn ngày chịu tâm mê.” Nếu trong đêm tối cứ chạy theo dục lạc, rượu chè đàn hát, say sưa theo “tửu sắc tài khí” thì khiến trọn ngày chịu tâm mê. Người đời ban ngày đi làm có tiền để ban đêm đi chơi thỏa mãn dục lạc, nên ban ngày họ cũng bị chìm đắm trong mê.

“Đến nỗi trói buộc một đời đều bởi Tán Hôn hai chữ.” Cả đời bị trói buộc đều tại hai chữ tán và hôn. Tán là tán loạn, hôn là hôn trầm. Đối với người đời, tán là thả mình theo dục lạc, hôn là say sưa với mùi trần tục, chớ không phải chỉ nói tán loạn hôn trầm của người tu thiền.

“Vì ngươi mở thẳng một con đường để lại mai sau tác gia ngắm.” Ngài muốn nói các ông đang say mê, vì thương các ông tôi chỉ rõ một con đường cho các ông đi, con đường đó những người đạt đạo sau này sẽ thấy. Chữ tác gia, trong kinh A-hàm có kể rằng sau khi ngộ đạo đức Phật nói: “Ta từ nay mới thấy được người làm nhà.” Người làm nhà là chỉ người chủ động gây nên luân hồi sanh tử, rồi cũng chủ động trở về giác ngộ. Trong nhà Thiền, hàng tác gia mắt sáng là chỉ những Thiền sư đã ngộ đạo, làm mẫu mực cho người. Thế nên Ngài muốn nói rằng Ngài vạch ra một con đường mà hàng sáng mắt sẽ thấy.

“Nên biết, mạng người khó thường, chớ để thời này qua rỗng.” Trước hết Ngài nhắc phải thấy mạng người vô thường, nay còn mai mất không gì bảo đảm, vậy đừng để một đời qua suông, đừng để thân vô thường sống ngày qua ngày rồi chờ chết mà không làm gì lợi ích, không tạo được những việc hay tốt, cao quí.

Ngài lại chỉ xa hơn: “Nhìn lấy Tịnh độ trước mắt, nhận ra trong tâm Di-đà.” Chúng ta quan niệm Tịnh độ là ở Tây phương. Tây phương Cực Lạc cách đây bao nhiêu vạn cõi Phật. Nay Ngài muốn chỉ thẳng cho chúng ta biết Cực Lạc ở ngay trước mắt, đừng tìm Cực Lạc ở đâu xa, ngay trước mắt chúng ta tâm tịnh thì độ tịnh. Lúc nào tâm chúng ta lăng xăng, rối loạn là khổ, tâm thanh tịnh là lạc. Quí Phật tử thử nhớ buổi tối nằm lại nhắm mắt ngủ nhưng trong đầu cứ rối bời, muốn buông để ngủ mà không được, lúc đó thật là khổ. Trái lại nếu buông và ngủ được thì rất khỏe. Như vậy tâm loạn là khổ, nên tâm loạn là Ta-bà; tâm tịnh là vui nên tâm tịnh là Cực Lạc. Ta-bà, Cực Lạc ngay trước mắt chúng ta.

“Nhận ra trong tâm Di-đà” tức là tự tánh Di-đà, nghĩa là nhận ra Di-đà ngay trong tâm mình. Di-đà là tiếng Phạn, dịch nghĩa theo chữ Hán là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Vô Lượng Thọ là sống lâu không thể tính kể. Vô Lượng Quang là ánh sáng cũng không thể tính kể. Thân này có sanh có diệt nhưng tánh giác không sanh diệt tức là Vô Lượng Thọ. Vọng tưởng điên đảo là mê, còn tánh giác là hằng giác, hằng sáng, tức là Vô Lượng Quang. Như vậy Di-đà là ở ngay tự tánh mình. Nếu quên tự tánh là mê, ngộ tự tánh là giác, nhớ quay lại tự tánh mình, sống với tánh giác, đó là sống với Phật Di-đà. Thế nên tu thì phải làm sao cho tâm được thanh tịnh, đó là Cực Lạc, nhận ra tánh giác của mình đó là Phật Di-đà. Trong kinh Di-đà có câu: “Nếu một ngày hai ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung vừa nhắm mắt liền thấy Phật Di-đà và Thánh chúng hiện ngay trước mặt.” Nhất tâm bất loạn là tâm thanh tịnh, thì tánh giác hiện ra, không phải đợi về Cực Lạc mới ra mắt đức Phật Di-đà. Trong kinh nói rõ nhưng vì không hiểu nên chúng ta chấp sự mà không đạt được lý. Ở đây ngài Trần Thái Tông muốn chỉ thẳng lý “Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ”. Tâm tịnh thì độ tịnh, nên Tịnh độ ngay trước mắt và đức Phật Di-đà ngay tự tánh của mình.

“Nếu hay ưa vui gánh vác liền được trong ấy hiện ra.” Nếu người nào ưa vui nhận và hành được lẽ này thì liền ngay trong đó thấy Phật hiện rõ ràng.

“Đệ tử chúng con kính tưởng thời này lấy làm khóa lễ cuối đêm.

Tâu bạch rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.”

Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:

> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm

> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - (13.6-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN THÂN

> KHÓA HƯ LỤC - (13.6-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG NỬA ĐÊM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.5-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.5-1): SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI