Chỉ mục bài viết

 

Vua Trần Thái Tông bị đặt trong thế bất khả kháng. Giả sử vua có quyết chí tu mà quần thần cùng các bô lão kéo lên núi đòi chết ngay tại đó nếu nhà vua không chịu trở về kinh, thử hỏi làm sao Ngài yên tu cho được? Thật là điều kiện hết sức khó khăn.

Ông Trần Thủ Độ lên đến núi gặp được nhà vua nói thật thống thiết. Ông nhận sự ủy thác của tiên quân tức là của ngài Trần Thừa, tôn ngài Trần Cảnh lên làm chúa thần dân khi mới tám tuổi. Đến bây giờ nhà vua hai mươi tuổi được dân chúng tin tưởng trông đợi coi như cha mẹ. Lại nữa ngày nay các cố lão trong triều đều là bầy tôi thân thuộc, tức là chỉ những vị quan lớn tuổi trong triều ủng hộ nhà vua đều là dòng họ nhà Trần, còn tất cả người dân đều trông đợi phục tùng.

“Vả lại Thái Tổ bỏ thần mà đi, nấm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình.”

Lời ông Trần Thủ Độ rất tha thiết. Người anh là ngài Trần Thừa vừa mất, đất mồ chưa khô. Nhà vua mất mẹ lúc mười sáu tuổi, mất cha khoảng mười tám tuổi, đến năm nay hai mươi tuổi lại tính chuyện đi tu, nên nói đất trên mồ cha chưa khô.

Ông lại nói tiếp: “Như thần nghĩ, bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao?” Riêng nhà vua đi tu thì có thể được, nhưng trách nhiệm làm vua thì sao? Quốc gia xã tắc giao cho ai? Đây là một câu hỏi làm nhà vua rối trí.

Kế ông lại trách: “Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ.” Nếu nhà vua đi tu, rồi đem những lời dạy của Phật và chư Tổ ra nhắc nhở, thì ông Trần Thủ Độ cho đó là những lời dạy suông, không thực tế. Chi bằng làm vua, lấy thân mình, lấy tài đức mình làm gương để dạy dân, hướng dẫn dân, đó mới là cụ thể, mới là thực tế hơn. Nghe đến đây nhà vua rủn chí, thật là khó xử.

Ông lại nói thêm một câu cuối, khiến nhà vua phải chịu thua: “Nếu bệ hạ không chịu về, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.” Câu nói quyết liệt này làm nhà vua không còn cách gì thối thác được.

Đến đây vua Trần Thái Tông mới kể:

“Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:

“Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng. ”

Lời dạy của Quốc sư rất là thấu đáo. Phàm làm vua phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, nhà vua làm việc gì không vì quyền lợi riêng tư mà phải hợp với sự mong mỏi của người dân. Lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, lòng dân trông đợi điều gì, nhà vua phải làm sao cho dân được thỏa mãn, như vậy mới thật là một đấng minh quân, một vị vua chân chánh.

“Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được.” Ý muốn của dân là đón nhà vua trở về, thì thôi vua phải trở về. “Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng.” Quốc sư lại dặn dò, tuy về làm vua nhưng Ngài nhớ đừng quên phần nghiên cứu kinh điển tu hành.

“Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu Thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là ‘Thiền Tông Chỉ Nam.”

Khi trở về kinh, Ngài lên ngôi vua một cách miễn cưỡng, không có chút gì thích thú. Trong khoảng hơn mười năm, từ hai mươi tuổi đến lúc ba mươi mấy tuổi, những khi rảnh rỗi Ngài mời các Thiền sư đầy đủ đức hạnh đến để hỏi đạo và tham cứu về Thiền, Ngài học và nghiên cứu qua các kinh điển Đại thừa. Khi đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài để quyển kinh xuống, ngâm nga câu ấy tức là lập đi lập lại đôi ba lần, bỗng nhiên Ngài ngộ. Tại sao Ngài lập đi lập lại đôi ba lần? Vì Ngài đã đọc kinh Pháp Bảo Đàn, biết Lục Tổ ngộ nơi câu này, nên khi đọc đến đây Ngài chú tâm, để quyển kinh xuống và nhẩm đi nhẩm lại câu ấy, bỗng dưng Ngài ngộ. Chỗ ngộ của Ngài và chỗ ngộ của Lục Tổ giống nhau hay khác nhau?

Nói về Lục Tổ, có hai lần ngộ. Lần ngộ thứ nhất: Khi gánh củi đem ra chợ bán, Lục Tổ đi ngang một căn nhà nghe có người tụng kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, bỗng dưng Ngài ngộ. Ngài mới hỏi người tụng: Kinh đó tên gì, phát xuất từ đâu? Được biết đó là kinh Kim Cang, do Ngũ tổ Huỳnh Mai dạy thọ trì. Câu kinh Ngài ngộ, nói cho đủ là: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Lục Tổ phát tâm đi tu, gởi mẹ già ở lại rồi thẳng đến Huỳnh Mai tìm Ngũ Tổ. Gặp được Ngũ Tổ rồi Ngài ở công quả trong nhà trù cho đến tám tháng...

Lần ngộ thứ hai: Một đêm Ngũ Tổ bảo Lục Tổ lên thất và giảng kinh Kim Cang cho Ngài nghe. Đến câu: bất ưng trụ sắc sanh tâm... ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục Tổ liền đại ngộ, mới nói lớn lên rằng:

            Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh,

            Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,     

            Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ,   

            Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động,

            Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.

Ngang đó Ngũ Tổ truyền y bát cho Ngài làm vị Tổ đời thứ sáu.

Như vậy Lục Tổ ngộ lần đầu Ngài phát tâm đi tu, ngộ lần sau Ngài được truyền y truyền y bát. Tuy cùng một câu kinh mà lần ngộ trước khác lần ngộ sau, lần trước gọi là giải ngộ hay tiểu ngộ, lần sau gọi là chứng ngộ hay triệt ngộ hay đại ngộ. Khi mới đi tu Lục Tổ đến với Ngũ Tổ, Tổ hỏi: Ông là người miền Nam quê mùa, đến đây cầu vật gì? Ngài đáp: Cầu thành Phật. Tổ hỏi: Người dân quê mùa như ông làm sao thành Phật được? Ngài đáp: Người tuy có nam bắc, nhưng Phật tánh không có nam bắc. Đây là Lục Tổ đã giải ngộ rồi, thấy rõ mình có Phật nên mới đối đáp được. Ngũ Tổ biết người này có khả năng nên mới bảo xuống nhà trù đi. Sau đó Lục Tổ có làm bài kệ: “…Bản lai vô nhất vật…” v.v...

Giải ngộ là có khả năng biết được mình có Phật, biết được lý đạo rất thâm sâu, song phiền não chưa hết. Như ở Thiền viện đây thỉnh thoảng cũng có một ít người giải ngộ nhưng phiền não vẫn còn, chưa được triệt ngộ như lần thứ hai của Lục Tổ, tuy có khả năng thấy biết đúng như thật, nhưng hành chưa đúng, vì còn phiền não! Mới giải ngộ mà tưởng triệt ngộ là lầm. Trường hợp vua Thái Tông khi ngâm nga câu kinh, bỗng nhiên tự ngộ, đây là tương đương với chỗ ngộ ban đầu của Lục Tổ. Nhà vua ngộ rồi biết mình có Phật, tin điều đó rõ ràng nên Ngài viết quyển Thiền Tông Chỉ Nam, để nói lên sự thấy biết của Ngài. Chúng ta phải hiểu chỗ ngộ này mới thấu được ý sâu xa của người tu Thiền, nếu không, nghe nói ngộ là quá hay rồi, mà sao lâu lâu cũng còn dở. Trong nhà Thiền thường nói tiểu ngộ thì nhiều vô số, lâu lâu ngộ một ít, còn đại ngộ thì đôi ba phen. Tiểu ngộ là sáng lên những vấn đề nhỏ, còn sáng lên việc lớn gọi là đại ngộ.

Nhìn rộng ra, trong kinh Kim Cang ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm? Phật dạy: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tức là muốn hàng phục tâm mình để thành tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì không nên trụ nơi sắc, không nên trụ nơi thanh hương vị xúc pháp (nghĩa là không nên trụ nơi sáu trần). Vậy phải làm sao? Nên không chỗ trụ mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là không nên dính mắc sáu trần mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thâm nhập được lý này nên vua Trần Thái Tông mới soạn thành bài Sáu Thời Sám Hối, đó là sám hối sáu căn. Thế nên trọng tâm của sự tu là đừng dính mắc sáu trần thì tâm an trụ, tâm an trụ tức là tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hiện nay Tăng Ni hay Phật tử thử trọn một ngày đừng dính sáu trần thì tâm có an không? Không dính sáu trần thì tâm tự an rồi! Nếu còn chạy theo trần này dính mắc trần kia, như khỉ vượn buông nhánh này chụp nhánh khác thì tâm đâu có an. An trụ là không dính sáu trần, thì sáu trần đâu có quyền gì xâm phạm đến mình! Mình là mình nó là nó, mình ở đây, nó ở ngoài kia. Như sắc ở ngoài con mắt, mình ngó lơ thì không dính mắc, như tiếng người nói, mình nghe rồi buông đừng bám vào, thì sắc thanh đâu có xâm phạm đến chúng ta được. Chỉ vì mắt dính với sắc trần, tai dính với thanh trần... nên chúng ta bị sáu trần lôi kéo đắm chìm trong sanh tử đời đời kiếp kiếp. Ngay bây giờ đừng dính sáu trần thì tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức tâm Phật hiện ra. Trái lại nếu còn dính mắc thì tâm chúng sanh hiện ra. Dính mắc là chúng sanh, không dính mắc là Phật, Phật với chúng sanh gần kề nhau. Như vậy chúng ta thấy việc tu hết sức là đơn giản, không phải gian lao cực khổ gì.

Chỗ dạy tu của Lục Tổ khi trước và của vua Trần Thái Tông gần đây rất gần với nhau. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, trọng tâm Lục Tổ dạy tu là phải ứng dụng ba cái Vô: một là Vô niệm vi tông, hai là Vô tướng vi thể, ba là Vô trụ vi bản.

Vô niệm vi tông, tức là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v... mà không khởi niệm chạy theo, chớ không phải ngồi một chỗ đè nó xuống thành vô niệm. Đối với sáu trần không có niệm chạy theo, pháp tu này rất gần với chỗ sáu căn không dính mắc sáu trần, vì khởi niệm mới dính mắc phải không? Thế nên Tổ dạy vô niệm là chủ của sự tu.

Vô tướng vi thể là gì? Thể của muôn sự muôn vật là không có tướng. Thấy triệt theo tinh thần Bát-nhã thì các pháp tánh không, duyên hợp huyễn có. Sự vật có hình tướng là từ nhân duyên kết hợp, nên không có tự thể. Nói các pháp tánh không tức là không có tướng thật. Vậy muốn không dấy niệm chạy theo sáu trần, thì phải thấy sáu trần chỉ là giả tướng, là tướng không. Biết được tướng không là thấy được thể của các pháp.

Vô trụ vi bản (Trụ là dính mắc). Không dính mắc sáu trần là gốc của sự tu. Nếu khéo tu từng ngày từng giờ đừng dính mắc sáu trần, thì tâm mình hoàn toàn thanh tịnh an ổn, Phật bảo đó là trụ tâm, đó là tâm Bồ-đề.

Như vậy chỗ nhìn của Lục Tổ khi trước, và của ngài Trần Thái Tông sau này tuy cách mấy trăm năm mà đã có chỗ gần nhau. Cho nên người tu khi ngộ rồi dù là trăm ngàn vị, nhưng lời nói đều không sai biệt.

Đọc đoạn này chúng ta thấy ngài Trần Thái Tông tuy là vua mà đã giải ngộ được lý đạo, Ngài đem chỗ sở ngộ viết thành bài ca “Thiền Tông Chỉ Nam” để chỉ dạy người sau. Điều này làm cho lòng tin chúng ta càng thêm vững mạnh. Nhưng rất tiếc là toàn quyển đã thất lạc, chỉ còn sót lại bài tựa.

“Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:

‘Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.’         

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.”

Nhà vua trình quyển Thiền Tông Chỉ Nam cho Quốc sư xem, xem xong Quốc sư tán thán nói: “Tâm chư Phật ở trọn nơi đây.” Tức là những lời diễn tả đó là đúng tâm chư Phật. “Sao không khắc in để chỉ dạy cho người sau?” Do nghe lời này nhà vua cho khắc bản in. Nhưng rất tiếc quyển sách đã mất, chúng ta chỉ biết được lời tựa. Qua lời tựa chúng ta thấy rõ vua Trần Thái Tông đã giải ngộ về Thiền và Giáo năm Ngài được hơn ba mươi tuổi. Từ chỗ ngộ đó Ngài soạn viết rất nhiều sách để người sau học hiểu. Học Ngài chúng ta hiểu được tâm tư nguyện vọng tha thiết chỉ dạy người sau của Ngài.

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.